Tử vong vì nấm
Mới đây, một gia đình ở huyện Yên Châu (Sơn La) bị ngộ độc nấm. Theo lời người thân, ngày 22/6/2019, vợ chồng chị Vũ Thị T (40 tuổi) cùng một vài người vào rừng hái nấm có màu nâu trắng về chế biến món ăn cho gia đình.
Sau bữa ăn tối, cả gia đình không có dấu hiệu gì đặc biệt nhưng đến sáng hôm sau, chồng chị T., chị T. và con dâu là những người ăn nấm có biểu hiện đau bụng, nôn và mệt nhiều.
Ngay lập tức, cả gia đình được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Yên Châu. Nghi do ngộ độc nấm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện tỉnh Sơn La.
Chồng chị T. nhập viện khi chất độc đã vào gan gây ra tình trạng suy gan quá nặng đã tử vong. Chị T. và con dâu nhanh chóng được chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Ngay sau khi về Trung tâm Chống độc, chị T. bị suy gan do tổn thương chất độc từ nấm vào. Bệnh nhân đã được sử dụng thải độc bằng thuốc cùng với các phương pháp lọc máu hiện đại để thải độc nhưng đến nay tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết dù năm nào bác sĩ cũng liên tiếp cảnh báo ngộ độc nấm nhưng thực tế vẫn có các ca ngộ độc nấm phải nhập viện cấp cứu. Ngộ độc nấm thường bệnh nhân rất nặng do tình trạng tổn thương đặc biệt là ở gan và thận.
Nhiều bệnh nhân ăn nấm nhưng đến 24 giờ sau mới có biểu hiện của ngộ độc. Lúc này, bệnh nhân cũng không biết nguyên nhân vì sao và các biện pháp sơ cứu như móc họng, nôn ói hay uống than hoạt tính đều không có tác dụng vì chất độc đã đi vào lục phủ ngũ tạng.
Bình thường, vào mùa xuân các ca ngộ độc nấm tăng cao nhưng bác sĩ Dũng cho biết các mùa khác vẫn ghi nhận các ca ngộ độc nấm vào điều trị. Ngộ độc nấm điều trị rất tốn kém cũng như cơ hội khỏi bệnh ít vì bệnh nhân thường vào viện muộn. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm lên tới 50%.
Các loại nấm không nên ăn
Bác sĩ Dũng cảnh báo, nấm là thực phẩm được sử dụng lâu đời nhưng các loại nấm này là nấm trồng. Ngộ độc nấm thường bị cả gia đình do thói quen lấy về nấu cho cả nhà cùng ăn và nhiều gia đình đã tử vong một nửa vì bát canh nấm ăn chung.
TS Dũng nhấn mạnh các loại nấm không nên ăn là những loại trong tự nhiên mọc hoang dại ở rừng, vườn, kể cả có ai khẳng định không độc thì vẫn không ăn. Nấm mọc tự nhiên duy nhất ăn được đó là mộc nhĩ, một vài nơi gọi là nấm mèo.
Những loại nấm có màu sắc sặc sỡ, nhìn ngon mắt, non trắng càng tuyệt đối không được ăn. Nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm nhìn có lành, giống nấm trồng và ngon đến mấy cũng tuyệt đối không được ăn.
Nhiều trường hợp thử nấm độc bằng cách nấu cho chó, cho gà ăn. Nếu gà ăn không chết thì họ sẽ nấu ăn nhưng thực tế các loại nấm ngộ độc chậm sau 24 giờ mới có tác dụng. Nấm ngộ độc càng chậm thì nguy hại tới sức khoẻ càng lớn.
Các dấu hiệu ngộ độc nấm có thể đến sớm khoảng 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn nấm. Một số loại nấm ngộ độc chậm xuất hiện triệu chứng chậm và có thể có các rối loạn tiêu hoá 2, 3 ngày liền.
Khi bị ngộ độc nấm, các biểu hiện của người bệnh ở các mức khác nhau. Ở giai đoạn 1 thường là các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Giai đoạn 2 là các biểu hiện tiêu hóa giảm nhưng thực ra gan, thận và các cơ quan bắt đầu bị tổn thương nhiều trường hợp nghĩ là khỏi nên ra viện không điều trị nữa rất nguy hiểm. Ngộ độc nấm ở giai đoạn 3 là nguy hiểm nhất. Lúc này người bệnh rơi vào tình trạng viêm gan, suy gan, suy thận, hôn mê, chảy máu và tử vong.
Bác sĩ Dũng cho biết khi có dấu hiệu ngộ độc nấm, cách tốt nhất là sơ cứu bằng cách dùng than hoạt tính, nước orezol, nước muối pha loãng và nhanh chóng đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được điều trị ngộ độc nấm.
Tại bệnh viện, các bệnh nhân thường cần phải được cấp cứu, hồi sức và giải độc rất tích cực và theo dõi sát. Nếu còn mẫu nấm đã ăn thì có thể mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.