Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là tình trạng mất cân bằng trong hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Do đó, bệnh đã làm ảnh hưởng đến một hoặc nhiều chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, dạ dày, túi mật, ruột, phế quản...
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật rất đa dạng, phong phú và thay đổi tùy theo loại rối loạn mà mỗi người gặp phải. Hơn nữa, những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Thông thường, triệu chứng thường gặp của rối loạn dây thần kinh thực vật là:
+ Người bệnh hay lo lắng, thở ngắn, hồi hộp, hay đổ mồ hôi tay.
+ Hạ huyết áp tư thế gây xây xẩm mặt mày, choáng váng.
+ Nhịp tim không tăng khi gắng sức, khi đổi tư thế gây mệt, thậm chí ngất xỉu.
+ Nhịp tim tăng nhanh quá mức gây hồi hộp, đánh trống ngực…
+ Mất bĩnh tĩnh trong giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
+ Phản ứng sinh học chậm chạp với ánh sáng.
+ Khó thở, khó ngủ, lo lắng, sợ hãi, tê tay, tê chân
+ Gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn, cảm giác đầy bụng, ăn không ngon, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa và ợ nóng...
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể là:
Rối loạn thần kinh thực vật do di truyền.
Do các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren và Lupus ban đỏ hệ thống.
Do miễn dịch và thương tổn các bộ phận của cơ thể, dây thần kinh của một số bệnh ung thư.
Do tổn thương dây thần kinh sau phẫu thuật vùng cổ, sau xạ trị…
Biến chứng của bệnh đái tháo đường
Do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc điều trị tim mạch.
Cũng có thể do một số bệnh lý thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson.
Những bệnh lý chấn thương hoặc tổn hại hệ thần kinh thực vật như chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống…
Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật đã nhắc đến vào những năm cuối của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với chẩn đoán là có thần kinh yếu. Đến chiến tranh thế giới thứ nhất, các bác sĩ dùng từ thần kinh yếu để chỉ những triệu chứng ở những người có rối loạn liên quan đến stress như mệt mỏi, yếu trong cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, dễ ngã. Người bệnh thường được khuyên là phải nghỉ ngơi thật nhiều để hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay nền y học phát triển hơn, bệnh rối loạn thần kinh thực vật đã được các chuyên khoa nghiên cứu và nhận ra rằng căn bệnh này khá nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm. Căn bệnh này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như công việc hằng ngày của người bệnh. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể trở nên tâm thần.
Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Đến thời điểm hiện tại, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Bởi điều trị rối loạn thần kinh thực vật là cần phải thiết lập được sự cân bằng của hệ thần kinh, sự cân bằng giữa hệ giao cảm và phó giao cảm – đây là một vấn đề khó khăn của y học hiện nay.
Tuy nhiên, trong việc điều trị triệu chứng cũng không phải là đơn giản, bởi việc chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì các triệu chứng bệnh không rõ ràng. Các triệu chứng của bệnh thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nên hay bị xem nhẹ. Hơn nữa, việc siêu âm chiếu chụp hầu như không có tác dụng gì trong chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật.
Điều trị rối loạn thần kinh thực vật đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân, bác sĩ và cả người nhà của người bệnh. Bệnh rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể tự khỏi nếu người bệnh có tinh thần tốt, có ý thức trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, số người tự khỏi bệnh là cực kỳ ít.
Hiện nay, có rất nhiều cách điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Có thể chữa rối loạn thần kinh thực vật bằng Đông y. Tuy nhiên, phần lớn người nhà bệnh nhân thường chọn chữa trị Tây y trước. Sau khi Tây y bó tay rồi mới chuyển sang Đông y chữa trị hoặc là kết hợp song hành.
Cách điều trị rối loạn thần kinh thực vật ở Tây y hiện nay là kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa. Sử dụng các thuốc đặc trị của bệnh rối loạn dây thần kinh thực vật bao gồm vitamin B6, C, canxi, thuốc an thần, thuốc chống suy nhược cơ thể, thuốc hạ huyết áp… Đồng thời, có thể kết hợp châm cứu, liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh... Ngoài ra, trong phác đồ điều trị, người bệnh phải sắp xếp lại chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi, để điều chỉnh lại nhịp sinh học của cơ thể. Sau đó, thực hiện các hoạt động thư giãn, tập thể dục, vận động thường xuyên, ăn uống điều độ.