Trường mầm non nước ngoài được nhận trẻ VN dưới 5 tuổi
Theo NĐ này, cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh (HS) Việt Nam vào học chương trình giáo dục của nước ngoài (GDNN) mà không giới hạn độ tuổi.
Tuy nhiên, số HS Việt Nam học chương trình GDNN phải thấp hơn 50% tổng số HS. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành không cho phép tiếp nhận HS Việt Nam không đủ 5 tuổi vào học chương trình GDNN. Ngoài ra, HS Việt Nam học chương trình GDNN phải được học các nội dung bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng theo NĐ này, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
Trong khi đó, thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 5 năm, kể từ ngày phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.
Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công
Từ ngày 27/8, Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành.
Theo đó, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng được quy định như sau:
Mức trợ cấp đối với Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: Diện thoát ly là 1.693.000 đồng; diện không thoát ly 2.874.000 đồng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ 1.515.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ 3.030.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên 4.545.000 đồng.
Về trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng…
Quy định các mức lương của giáo viên dự bị đại học
Thông tư 07/2018/TT - BNV do Bộ Nội vụ ban hành về quy định bổ nhiệm và xếp lương giáo viên dự bị đại học nêu rõ, từ 1/8, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BNV và Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98…
Thêm nhiều hỗ trợ với công chức, viên chức tại Hà Nội
Nghị quyết số 04/2018/NQ - HĐNT có hiệu lực từ 01/8/2018 đến hết ngày 31/12/2020 quy định về việc ban hành nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội. Theo nghị quyết công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ 2.780.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ đại học trở lên hoặc 2.085.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
Nghị quyết cũng quy định sẽ chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là 2.000.000 đồng/người. Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là 5.000.000 đồng/người; chi hoạt động kiểm tra, giám sát về TTATGT là 100.000 đồng/người/ca (04 giờ trở lên); chi bồi dưỡng cán bộ Thanh tra giao thông 1.000.000 đồng/người/tháng; bồi dưỡng thành viên của Ban An toàn giao thông Thành phố 700.000 đồng/người/tháng…