Hạnh nhân có dạng quả hạch, vỏ cứng, nhân chứa nhiều dầu, màng nhân mỏng và có màu nâu vàng. Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy hạnh nhân rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin E, magiê, kali giúp bảo vệ tim mạch, tốt cho sự phát triển của não bộ….
Hạnh nhân có hai loại là khổ hạnh nhân (hạnh nhân đắng) và cam hạnh nhân (hạnh nhân ngọt). Không chỉ có vị khác nhau mà công dụng và cách dùng của hai loại hạnh nhân này cũng có phần khác biệt.
Hạnh nhân đắng tính ấm, vị đắng, cay, hơi độc, có tác dụng trừ đàm, chỉ khái, bình suyễn, nhuận tràng. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, hen suyễn, ho, viêm họng, táo bón. Còn hạnh nhân ngọt tính bình, vị ngọt, không độc, thường được dùng cho người già, người suy nhược cơ thể, ho hen…. Dưới đây là một số bài thuốc hay từ hạnh nhân được giới thiệu trong cuốn sách Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây:
Hen: Hạnh nhân 15g, ma hoàng 15g, cam thảo 6g, cả 3 bọc trong vải trắng; đậu phụ 250g. Tất cả đun trong 1 giờ, bỏ bã, ăn đậu phụ và uống nước, mỗi ngày 2 lần (sáng, chiều)
Viêm phế quản mãn tính: Hạnh nhân ngọt rang chín, mỗi ngày nhai 10 hạt vào 2 buổi sáng, chiều.
Táo bón: Hạnh nhân, hỏa ma nhân, đào nhân, đương quy mỗi thứ 15g, giã nát, làm thành viên với mật ong, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 6g.
Ho do phong nhiệt: Hạnh nhân, lá dâu, hoa cúc, cát cánh, ngưu bàng tử mỗi thứ 9g, sắc uống.
Ho do táo nhiệt: Hạnh nhân 6g, đào nhân, mạch đông, bối mẫu, lá dâu, đương quy, đại cáp mỗi loại 9g, sắc uống.