Cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp, chủ yếu ảnh hưởng ở mũi. Bệnh có triệu chứng đau mũi, đau họng, sổ mũi cấp, thường xuất hiện sau khi cơ thể nhiễm virus cảm lạnh khoảng 1 đến 3 ngày.
Bệnh cảm lạnh không quá nguy hiểm nhưng khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Để phòng ngừa lây nhiễm và điều trị bệnh cảm lạnh, bạn nên thực hiện những thói quen tốt dưới đây.
Ăn nhiều rau củ
Khi bị cảm lạnh, cơ thể bạn thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, tiêu hóa và hấp thụ nguồn dinh dưỡng kém. Do đó, trong bữa ăn nên hạn chế ăn các món khó tiêu và có tính hàn để tránh các vấn đề về chướng bụng, đầy hơi,... thậm chí ngộ độc.
Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, nhiều nghiên cứu còn cho thấy rau củ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Tuy nhiên, do hệ miễn dịch còn yếu, bạn nên nấu rau chín kỹ trước khi dùng và không nên ăn rau sống. Khi chế biến, có thể thêm chút gừng để làm ấm hệ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giúp cơ thể nhanh chóng khỏe mạnh.
Ngủ nhiều hơn
Các chuyên gia khuyên bạn không nên ngủ quá nhiều trong 1 ngày để tránh mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khi bị cảm lạnh thì ngược lại, nên ngủ nhiều hơn để cơ thể được thư giãn và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lừ đừ.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy một giấc ngủ sâu sẽ giúp người bị cảm lạnh tránh khỏi các bệnh về hô hấp và lây nhiễm cho người khác. Đồng thời, hãy cố gắng đi ngủ trước 11 giờ tối để các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng, sớm lấy lại sức khỏe.
Rửa sạch tay
Bệnh cảm lạnh lây qua đường hô hấp, truyền nhiễm khi người bệnh hắt hơi hay ho mà không có sự che chắn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị nhiễm vi trùng như tay nắm cửa, vật dụng trong gia đình,... khiến bệnh cảm lạnh lây lan nhanh hơn. Do đó, hãy rửa tay thật kỹ để hạn chế mầm bệnh bám vào cơ thể và gây ra cảm lạnh.