Bệnh sỏi mật ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng thời gian gần đây có xu hướng gia tăng và tỉ lệ trẻ mắc bệnh càng cao. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ có độ tuổi từ 10 – 15.
Nguyên nhân gây sỏi mật ở trẻ
Béo phì
Trẻ thừa cân, béo phì sẽ dễ bị sỏi mật hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Pediatric Gastroenterology and Nutrition (Mỹ), trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ sỏi mật cao hơn 4 lần so với trẻ có cân nặng bình thường và những trẻ béo phì trầm trọng thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên 6 lần.
Bác sĩ Corinna Koebnick, thuộc Sở Nghiên cứu và đánh giá Kaiser Permanente (California, Mỹ) đã cảnh báo về xu hướng đáng báo động về tình trạng trẻ em bị béo phì hoặc siêu béo phì có nhiều khả năng phát triển bệnh sỏi mật, chứng bệnh mà trước đây chỉ thấy ở người lớn.
Béo phì chỉ tuy không phải là nguyên nhân chính gây nên bệnh sỏi mật ở trẻ em nhưng số lượng trẻ mắc bệnh do béo phì đang ở mức đáng báo động. Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cảnh báo tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến "trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu".
Yếu tố di truyền
Sỏi mật là căn bệnh có tính di truyền qua các thế hệ. Nếu trong gia đình có thành viên bị sỏi mật thì trẻ cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nhiễm giun
Bệnh sỏi mật cũng có thể được hình thành do hậu quả của quá trình nhiễm giun. Khi giun chui lên đường mật, chúng để lại trứng hoặc những mảnh vụn cơ thể. Sắc tố mật và canxi bám vào đó gây nên sỏi mật ở trẻ.
Ngoài ra, trẻ có dị tật, teo xơ đường mật, u nang ống mật chủ…cũng là những nguyên nhân làm xuất hiện sỏi mật.
Thiếu máu tán huyết bẩm sinh
Trẻ mắc phải bệnh này thì lượng billirubin tự do, một sản phẩm được tạo ra khi mà hồng cầu có dấu hiệu bị phá hủy tăng cao ở trong dịch mật sẽ kết tụ lại với nhau tạo thành sỏi billirubin.
Phòng ngừa sỏi mật cho trẻ
Trẻ có sỏi mật thường sẽ xuất hiện tình trạng đau bụng theo từng cơn. Cơn đau sẽ thường tập trung ở vùng hạ sườn phải, lan lên bả vai và sau lưng. Cơn đau sẽ xuất hiện sau những bữa ăn trẻ đã tiêu thụ quá nhiều chất béo. Bên cạnh đó, trẻ sẽ xuất hiện một số triệu chứng khác kèm theo như sốt cao, buồn nôn, nước tiểu đổi màu sẫm, vàng da.
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu trên thì nên đưa con đến ngay bệnh viện để được thăm khám bởi các sĩ chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định trẻ thực hiện một số siêu âm, xét nghiệm để chuẩn đoán bệnh như xét nghiệm máu, siêu âm, siêu âm nội soi hoặc nội soi mật tụy ngược dòng ERCP. Sau khi đã xác định được mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho con.
Sỏi mật nếu không được phát hiện sớm về có biện pháp phòng ngừa có thể gây ra nhiễm khuẩn đường mật, biến chứng vào tụy gây viêm tụy cấp, chảy máu đường mật...thậm chí dẫn đến tử vong.
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cho trẻ, cha mẹ hãy chú ý đến chế độ ăn uống của con. Tránh cho con tiêu thụ thức ăn quá nhiều cholesterol như gà rán, khoai rây chiên, hamburger.
Nếu trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng béo phì thì cha mẹ cần lên kế hoạch tập luyện thể thao cho con. Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thường xuyên không chỉ giúp trẻ đẩy lùi nguy cơ sỏi mật mà còn nhiều căn bệnh khác.