Dính thắng lưỡi là một trong những dạng dị tật ở trẻ, do dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Khi trẻ khóc, đầu lưỡi sẽ xuất hiện hình chữ V ngược do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.
Nguyên nhân dị tật có thể do yếu tố di truyền hoặc bẩm sinh. Theo trang Momjunction, có đến 5% trẻ sinh ra sẽ bị dính thắng lưỡi và nguy cơ dị tật ở bé trai cao hơn 4 lần so với bé gái.
Ảnh hưởng của dính thắng lưỡi đến sức khỏe trẻ
Gặp khó khăn khi ngậm núm vú
Dây thắng lưỡi ngắn làm trẻ khó khăn trong việc ngậm núm vú trong thời gian lâu. Một em bé có dị tật trên sẽ không thể bú lâu và thường xuyên ngắt quãng.
Tăng cân kém
Những cơn đau do lưỡi của trẻ không thể bám vào núm vú lâu sẽ khiến trẻ thường xuyên bỏ bú, lâu dần con sẽ rơi vào tình trạng nhẹ cân do không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.
Dễ gặp các vấn đề răng miệng
Với những trẻ lớn hơn, dính thắng lưỡi sẽ làm trẻ dễ gặp các vấn đề về răng miệng. Trẻ sẽ không thể tự làm sạch những vụn thức ăn trong miệng dẫn đến tình trạng sâu răng.
Khó phát âm
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm thì đến độ tuổi tập nói, cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra con gặp khó khăn khi phát âm các âm tiết như r, d, t, th và s. Những âm tiết này đòi hỏi trẻ phải cong lưỡi để có thể phát âm tròn vẹn nhưng do thắng lưỡi ngắn sẽ khiến trẻ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trẻ nói ngọng, phát âm kém chuẩn xác còn do nhiều nguyên nhân khác nhau như trẻ bị đầy lưỡi hoặc xuất phát từ nguyên nhân mang tính xã hội, ví dụ cha mẹ không sửa lỗi phát âm cho con, trong gia đình có người nói ngọng.
Khó khăn khi nhai nuốt thức ăn
Lưỡi có chức năng giúp hỗ trợ răng nghiền thức ăn hiệu quả và đưa vào cổ họng có kiểm soát. Một chiếc lưỡi bị hạn chế chuyển động khiến trẻ gặp khó khăn khi nhai nuốt thức ăn, dẫn đến tình trạng nôn mửa thậm chí gây nghẹt thở.
Điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ
Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đánh giá mức độ dính để có biện pháp can thiệp kịp thời. Chỉ định cắt thắng lưỡi tùy thuộc vào mức độ dính thắng lưỡi mà trẻ đang gặp phải.
Dính thắng lưỡi được chia thành 4 cấp độ
Mức độ 1: dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm
Mức độ 2: dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm
Mức độ 3: dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm
Mức độ 4: dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm
Trường hợp bác sĩ xác định trẻ dính thắng lưỡi ít với dây thắng lưỡi mỏng thì không cần can thiệp bằng phẫu thuật. Thông thường đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định bôi hoặc tiêm thuốc tê và dùng dao điện cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể bú mẹ bình thường ngay sau đó. Với những trẻ lớn hơn thì sẽ phải gây tê hoặc mê rồi dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi. Vết thương sẽ lành sau vài tuần.
Các bác sĩ đều khuyên rằng, cha mẹ nên chú ý đến những biểu hiện bất thường của con trẻ để xem con mình có bị dính thắng lưỡi hay không. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ rút ngắn thời gian bình phục và giảm thiểu tối đa đau đớn cho con trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Càng lớn lớp niêm mạc lưỡi sẽ trở nên dày hơn, việc phẫu thuật cũng sẽ khó khăn hơn.