Nội dung bài viết
Trẻ bị đầy hơi
Trẻ sơ sinh bị đầy hơi thường gặp nhiều nhất là trong 3 tháng đầu đời của bé. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện. Tình trạng này cũng sẽ xuất hiện khi bé ở giai đoạn từ 6 – 12 tháng. Đây là thời điểm hệ tiêu hóa đang làm quen với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau trong quá trình ăn dặm.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đầy bụng
Thông thường mẹ phát hiện bé bị đầy hơi, chướng bụng thông qua các dấu hiệu cơ bản sau đây:
- Ợ hơi là phản ứng của cơ thể để loại bỏ không khí bên trong dạ dày. Tuy nhiên, nếu bé bị ợ hơi khó khăn hoặc quá mức dẫn đến nôn trớ, có thể bé đang bị chướng bụng đầy hơi ở mức độ nghiêm trọng.
- Nôn trớ kèm theo ợ hơi trong hoặc ngay sau khi bú là tình trạng mà hầu hết các trẻ sơ sinh thường gặp. Nguyên nhân do các thành phần trong sữa công thức, ăn quá nhiều hoặc quá nhanh cũng là dấu hiệu liên quan đến đầy hơi chướng bụng.
- Sưng chướng vùng bụng: trẻ sơ sinh nếu nuốt quá nhiều không khí, tồn tại trong ruột và dạ dày sẽ gây cản trở hoạt động của hai cơ quan này. Lúc này, áp lực lên dạ dày và ruột tăng cao gây sưng chướng bụng khiến trẻ cảm thấy khó chịu và đau đớn.
- Xì hơi nhiều và liên tục, trung bình trẻ sơ sinh sẽ bị xì hơi khoảng 15 – 20 lần/ngày. Nếu trẻ bị xì hơi nhiều hơn mức bình thường thì rất có thể bị đầy hơi, chướng bụng.
- Quấy khóc nhiều nhưng không có dấu hiệu đói, nóng, lạnh hay sợ thì rất có thể bé đang cảm thấy khó chịu, đầy hơi chướng bụng.
- Bé khó ngủ và ngủ không yên giấc do đầy hơi chướng bụng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng
Không tiêu hóa được các loại protein trong thực phẩm và sữa
Bởi hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên không kịp xử lý được một số loại protein có trong thức ăn của mẹ hoặc sữa. Bên cạnh đó, khi bé bú mẹ hoặc bú bình bị đầy hơi, có thể do cơ thể bé không tiêu hóa được đường lactose từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Quá tải đường lactose từ sữa mẹ
Bé thường xuyên bú mẹ quá no hoặc sử dụng bình bú thay vì bú mẹ trực tiếp dẫn đến quá tải lactose và gây đầy hơi, chướng bụng. Nguyên nhân là do lượng men lactase trong cơ thể bé không đủ để tiêu hóa hết đường lactose dung nạp vào.
Tình trạng này xảy ra do người mẹ không cân bằng được lượng sữa đầu và sữa sau khi cho bé bú. Nếu mẹ nhanh chóng đổi bên ngực cho con bú khi bé chưa bú hết sữa ở một bên bầu ngực khiến bé bú quá nhiều sữa đầu, lớp sữa này thường chứa nhiều đường lactose dễ gây đầy hơi.
Ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng của mẹ
Trong giai đoạn cho con bú, những loại thức ăn mẹ dung nạp vào cơ thể đều tác động trực tiếp đến bé. Đặc biệt khi mẹ ăn nhiều thực phẩm gây đầy hơi bé cũng sẽ bị đầy hơi. Chẳng hạn như các loại đậu, bơ, yến mạch, bắp cải, đào, mận,...
Do đó khi phát hiện trẻ sơ sinh bị đầy hơi, mẹ nên kiểm tra lại bữa ăn gần nhất của mình để theo dõi. Nếu tình trạng xảy ra với cùng một loại thực phẩm vào những lần ăn sau đó, mẹ nên hạn chế bớt số lượng. Tuy nhiên tránh loại bỏ hoàn toàn những món ăn này khỏi chế độ dinh dưỡng của mẹ hoặc trong thực đơn ăn dặm của bé vì nó có thể khiến bé bị thiếu chất.
Thức ăn không phù hợp với độ tuổi
Nhiều mẹ thường cho con ăn dặm sớm hoặc ăn các loại thực phẩm mà cơ thể trẻ chưa tiêu hóa được. Điều này gây ra tình trạng ứ đọng thức ăn trong đường ruột. Từ đó dẫn đến việc vi khuẩn lên men sinh ra nhiều hơi gây đầy hơi chướng bụng.
Cách chữa đầy hơi cho trẻ sơ sinh
Cho bé ợ hơi thường xuyên
Khi bú sữa mẹ hay sữa bình bé đều nuốt phải không khí thừa dẫn đến tình trạng đầy hơi. Các chuyên gia cho rằng có nhiều tư thế khác nhau để giúp bé ợ hơi. Cụ thể là cho bé ngồi tựa bụng vào cánh tay mẹ, bế bé đứng lên và đầu tựa vào vai mẹ hay để bé nằm sấp trên đùi mẹ.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé ợ hơi khi chuyển từ bên bầu ngực này sang bầu ngực kia để đẩy hết hơi thừa trong bụng bé ra ngoài trước khi tiếp tục bú. Phương pháp này rất tốt cho các bé thường xuyên nôn trớ, ọc sữa hoặc bị trào ngược.
Động tác đạp xe và massage bụng cho bé
Muốn giải phóng bớt hơi thừa khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi, mẹ có thể cầm hai chân bé di chuyển nhẹ nhàng như động tác đạp xe đạp. Bên cạnh đó kết hợp với massage bụng cũng giúp kích thích ruột đào thải hơi thừa và làm cho bé cảm thấy thoải mái hơn.
Bổ sung men tiêu hóa hoặc thuốc chống đầy hơi
Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa để chọn cho con một loại men tiêu hóa thích hợp hoặc phương thuốc chống đầy hơi hiệu quả trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đầy hơi. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không phát huy hết hiệu quả nếu bé bị quá tải lactose.
Chườm nóng bụng bé
Mẹ nên sử dụng khăn tay ấm, nhúng vào nước nóng và vắt khô để cho khăn có độ ấm phù hợp đồng thời đảm bảo không làm bỏng da bé. Một khăn gấp gọn, để lên bụng bé, cái còn lại quấn quanh bụng để cố định. Hơi nóng và sức nặng của khăn sẽ giúp đẩy hơi trong bụng bé ra một cách dễ dàng.
Thay đổi dụng cụ cho bú
Trong trường hợp bé thường xuyên bị đầy hơi, mẹ nên kiểm tra lại bình bú bé đang dùng. Sản phẩm đó có hỗ trợ bé giảm lượng hơi thừa khi mút sữa vào hay không? Nếu không thì hãy lựa chọn một sản phẩm thích hợp hơn.
Chú ý tư thế bú của bé
Việc cho bé bú sữa mẹ đúng cách không chỉ giúp bé bú nhiều sữa hơn mà còn giảm hơi thừa vào bụng. Đặc biệt khi cho bé bú bình nhớ đặt phần đầu của bé cao hơn phần thân.
Cho bé uống nước
Mẹ nên bổ sung hàm lượng nước đầy đủ cho cơ thể bé mỗi ngày. Bởi việc thiếu nước cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho bé mắc chứng đầy hơi.
Bài viết trên đã gợi ý những cách chữa trẻ sơ sinh bị đầy hơi. Qua đó, các mẹ có thể tham khảo và áp dụng để hỗ trợ điều trị hiệu quả triệu chứng này.