Trong nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Nhi khoa JAMA, Giáo sư Valerie Verhasselt và các đồng nghiệp đã tiến hành xem xét khả năng có thể phát hiện các kháng nguyên sốt rét trong sữa mẹ của các bà mẹ ở Uganda - quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp mắc căn bệnh chủ yếu lây truyền qua muỗi này.
Nhận thấy 15% số phụ nữ được xét nghiệm mang ký sinh trùng sốt rét mà không có bất kỳ triệu chứng nào, các nhà nghiên cứu cho rằng các bà mẹ này có thể truyền kháng nguyên cho con qua sữa mẹ, giúp con cái của họ miễn nhiễm với bệnh sốt rét.
Trao đổi với báo giới, giáo sư Verhasselt cho biết trước nghiên cứu này đã có những bằng chứng trái ngược về khả năng sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa bệnh sốt rét ở trẻ nhỏ.
Bà chia sẻ: "Dựa trên chuyên môn lâu năm trong lĩnh vực phòng chống dị ứng thông qua việc nuôi con bằng sữa mẹ, chúng tôi đưa ra giả thuyết ban đầu rằng sự hiện diện của kháng nguyên sốt rét (protein) trong sữa mẹ kích thích miễn dịch chống lại bệnh sốt rét và giảm nguy cơ mắc căn bệnh này ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ".
Đây có thể được xem là một vaccine ngừa sốt rét tự nhiên cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bà cho biết vẫn cần tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá kết quả miễn dịch và nguy cơ mắc sốt rét ở trẻ sơ sinh được tiếp nhận các loại kháng nguyên sốt rét qua sữa mẹ.
Các bà mẹ cũng được khuyến cáo tiêm phòng vaccine để tăng mức độ kháng nguyên sốt rét trong sữa mẹ, qua đó đảm bảo sự bảo vệ lâu dài cho trẻ.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do một số loại ký sinh trùng gây ra và chủ yếu lây truyền qua muỗi Anopheles. Người mắc bệnh thường có biểu hiện rét run, sốt và vã mồ hôi.
Theo thống kê, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 200 triệu ca mắc sốt rét, phần lớn tập trung ở châu Phi. Trong đó, trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi chiếm 70% tổng số ca tử vong do sốt rét.