Nội dung bài viết:
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng
Do yếu tố sinh lý
Theo chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Pcbaby cho biết: Bản thân trẻ sơ sinh đã tồn tại sẵn hiện tượng đầy hơi chướng bụng do sinh lý mà không phải là bệnh tật. Điều này có thể dễ nhận thấy khi quan sát bụng của em bé có biểu hiện “phình to” hơn so với người trưởng thành bình thường.
Thêm vào đó, trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng còn do trẻ sử dụng hô hấp bằng bụng là chủ yếu. Ngoài ra, cơ thể trẻ nhỏ thường khá “tròn trịa” cả phía trước lẫn phía sau nên nhìn vào sẽ cảm thấy bụng của bé hơi trướng lên.
Do ăn uống không thỏa đáng
Trẻ nhỏ chưa biết kiểm soát tốt tốc độ cũng như phương pháp nhai nuốt khoa học nên dù là bú sữa hay ăn dặm đều có tình trạng “hấp tấp”. Khi thực phẩm bị nuốt vào quá nhanh sẽ khiến không khí lọt vào khoang bụng gây chướng bụng, nhất là khi trẻ bị đói lâu mới được cho uống sữa.
Thay vì quan tâm đến cách điều trị bé bị đầy hơi chướng bụng thì bố mẹ càng nên nắm rõ biện pháp chăm sóc trẻ để phòng ngừa là tốt nhất. Nếu lỗ nhỏ của núm vú bình sữa không vừa vặn, quá to hoặc quá bé đều dễ khiến cho không khí đi vào cơ thể trẻ, gây ra hiện tượng chướng bụng.
Do trẻ sơ sinh bị táo bón hoặc tiêu hóa kém
Tình trạng tiêu hóa kém hoặc táo bón đều khiến cho phân bị tích tụ trong đường ruột, các vi khuẩn có hại sản sinh ra khí, cũng có thể do trẻ bị dị ứng protein trong sữa, trẻ bị viêm ruột v.v… đều khiến cho khí thể sinh ra quá nhiều, dẫn đến chướng bụng đầy hơi do tiêu hóa không tốt.
Do trẻ bị tắc ruột non
Một nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng nữa chính là ruột non bị tắc nghẽn, trường hợp nghiêm trọng hơn chính là tắc ruột hoàn toàn có thể gây nguy hiểm đến trẻ. Bố mẹ cần chú ý quan sát mọi biểu hiện bất thường của trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Làm sao phán đoán trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng?
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng thể hiện rõ ở tình trạng bụng phình to ra do bên trong chứa nhiều khí thể. Trẻ cũng thường giơ hai chân lên để giảm bớt cảm giác khó chịu ở bụng và khóc quấy nhiều hơn.
Nếu triệu chứng của trẻ nghiêm trọng còn kèm theo nôn ói nhiều lần, tinh thần kém, trẻ bỏ bú, thành bụng sờ vào thấy cứng, ửng đỏ, thậm chí còn có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ hoặc có những khối u. Đặc biệt nếu trẻ đại tiện ra phân màu trắng hoặc có máu, kèm theo sốt thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng sao cho hợp lý và hiệu quả?
Không để trẻ đói quá lâu mới cho ăn uống
Trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng phải làm sao? Đầu tiên, bạn cần chú ý tình trạng đói của trẻ. Nếu thời gian để trẻ đói bụng quá lâu thì lúc được bú sữa hoặc ăn dặm, trẻ càng có phản xạ “ăn nhanh, nuốt vội”, đồng thời mang theo một lượng lớn không khí vào trong cơ thể.
Người lớn nên có thói quen quan sát và ghi nhớ thời gian mà trẻ cần ăn uống để kịp thời cung cấp thực phẩm hợp lý cho trẻ. Sau khi trẻ no bụng, mẹ nên vỗ nhẹ vào lưng bé để khí thể trong dạ dày, đường ruột có thể thoát ra ngoài qua đường thực quản.
Một vấn đề khác cần quan tâm đó là lựa chọn bình sữa phù hợp cho trẻ. Núm vú phải có lỗ vừa phải để hạn chế tối đa không khí lọt vào quá nhiều, khiến bé sơ sinh bị chướng bụng đầy hơi sau khi bú sữa. Bên cạnh đó, tư thế cầm bình sữa cho bé bú cũng phải đúng cách để tránh bé bị sặc hoặc không khí đi vào dạ dày quá nhiều.
Tránh để trẻ khóc quấy quá lâu
Trẻ sơ sinh bị đầy hơi chướng bụng còn có thể do tình trạng trẻ khóc quá nhiều. Bố mẹ nên học những phương pháp dỗ dành và đem đến cảm giác an toàn cho trẻ, giúp trẻ nhanh nín khóc và duy trì được tinh thần thoải mái, vui vẻ cũng góp phần tiêu hóa tốt hơn.
Chăm massage bụng cho bé
Mỗi ngày, mẹ nên định kỳ massage bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ, chỉ cần thực hiện 5 phút là được. Đây được xem là một trong những mẹo chữa đầy hơi cho trẻ sơ sinh vừa đơn giản mà hiệu quả không kém.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng khăn lông thấm nước ấm, vắt cho ráo nước chỉ còn lại độ nóng vừa phải và chườm lên bụng bé, kích thích nhu động dạ dày, đường ruột và thải khí thể ra ngoài, đồng thời còn thúc đẩy quá trình tiêu hóa, hấp thu tốt hơn.
Giảm hàm lượng đường trong thực phẩm của bé
Dù trẻ đang bú sữa hay đã ăn dặm thì mẹ vẫn phải kiểm soát lượng đường khi chế biến. Khi thành phần đường được trẻ hấp thu quá nhiều sẽ tăng quá trình lên men, dễ khiến trẻ bị chướng bụng đầy hơi. Ngoài ra, một số thức ăn cần thận trọng khác như bắp, khoai lang, đậu phộng, rau cần, hẹ, tỏi tươi, mật ong và các món cay v.v…
Đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời
Nếu ngoài tình trạng chướng bụng đầy hơi mà trẻ còn xuất hiện các vấn đề như nôn ói, bỏ ăn, giảm thể trọng, đại tiện khó khăn, sốt, phân có máu v.v… thì tốt nhất bố mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
Mặc dù trẻ bị đầy hơi chướng bụng là triệu chứng khá phổ biến nhưng không vì thế mà người lớn chủ quan. Đặc biệt không nên tự ý mua thuốc cho trẻ sơ sinh dùng. Các bác sĩ chuyên khoa cần tiến hành kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân cụ thể, sau đó bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.