Bên lề hội thảo ung thư Việt - Pháp lần thứ 2 đang diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, nhiều năm liền, ung thư phổi ở cả 2 giới tại Việt Nam luôn đứng hàng đầu, nhưng đến 2018, tụt xuống vị trí thứ 2 sau ung thư gan với gần 24.000 ca mắc mới.
Tuy nhiên đến nay, điều trị ung thư phổi vẫn là thách thức khi số chết gần tương đương mắc mới, với hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm.
Theo PGS Quảng, nguyên nhân tỉ lệ tử vong cao do có tới hơn 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư phổi đều ở độ tuổi trên 50, những năm gần đây có xu hướng trẻ hoá nhưng không rõ ràng, độ tuổi 20-30 rất ít.
“Ca trẻ nhất mắc ung thư phổi tôi biết cách đây 3 năm là nam thiếu niên 15 tuổi. Tuy nhiên sau 2 năm điều trị tích cực, bệnh nhân đã tử vong. Nguyên nhân do nam sinh này thường xuyên phải hít khói thuốc lá thụ động từ bố. Ngoài ra, tại Hà Nội cũng đang điều trị cho một trường hợp nam giới khác mắc ung thư phổi ở tuổi 25”, PGS Quảng thông tin.
PGS Quảng khẳng định, gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút thuốc trực tiếp, nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động từ những người trong gia đình hoặc môi trường xung quanh.
Do đó bác sĩ khuyến cáo, ở lứa tuổi ngoài 50, cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Rất khó phát hiện sớm
PGS Quảng cho biết, đến nay, việc phát hiện sớm ung thư phổi vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay tại Mỹ, dù đã đưa ra nhiều phương pháp, trong đó có chụp X-quang và xét nghiệm đờm, tuy nhiên tất cả phương pháp đó đều không hiệu quả.
Mấy năm gần đây, nhiều nơi áp dụng phương pháp sàng lọc bằng chụp CT liều thấp, tuy nhiên hiệu quả cũng chưa được chứng minh rõ ràng.
"Ung thư phổi tiến triển nhanh, giữa 2 lần chụp X-quang cách nhau 6 tháng khối u đã tiến triển rất khác do chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ. Do vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi rất khó khăn, chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao dù bệnh hay gặp”, PGS Quảng chia sẻ.
Ngoài ra, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu ở giai đoạn sớm, triệu chứng rất mơ hồ như đau tức ngực, ho ra dây máu nhưng dễ nhầm với lao. Chỉ đến khi bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở thường xuyên mới đến bệnh viện khám thì đã ở giai đoạn muộn.
Đáng lưu ý, ngay cả khi phát hiện sớm ung thư phổi, tỉ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác dù những năm gần đây, nhiều tiến bộ trong điều trị đã được áp dụng giúp bệnh nhân giai đoạn 3-4 chỉ sống được vài tháng trước đây giờ sống thêm được 2-3 năm.
Đối với phẫu thuật, tiến bộ chủ yếu là phẫu thuật nội soi; với hoá chất có nhiều phác đồ mới ra đời; xạ trị bằng các liều tập trung, ít ảnh hưởng tế bào lành xung quanh; điều trị đích có nhiều thuốc mới, vẫn có bệnh nhân sống thêm được 5-6 năm nhưng không nhiều.
Gần đây nhất, Việt Nam áp dụng thêm liệu pháp điều trị miễn dịch, kết quả bước đầu cho thấy có thể giúp bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn muộn kéo dài thời gian sống.
Để dự phòng ung thư phổi, cách hiệu quả nhất là không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Ngoài ra, những trường hợp tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định như radon, amiăng... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 3-4 lần so với những người khác.