Một nghiên cứu mới của Đại học Lund (Thụy Điển) chứng minh thời tiết lạnh góp phần làm tăng nguy cơ đau tim.
Nghiên cứu được thực hiện trên dữ liệu lưu trữ suốt 15 năm về thời tiết và tỷ lệ đau tim ở người Thụy Điển. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đau tim cao nhất xảy ra vào những ngày có nhiệt độ thấp dưới 0 độ C và tỷ lệ đau tim giảm khi nhiệt độ tăng lên gần 4 độ C.
Tiến sĩ David Erlinge - Trưởng khoa Tim mạch, Đại học Lund - cho biết thời tiết lạnh và nhiều gió dẫn đến sự co thắt mạch máu trong da để bảo tồn năng lượng và nhiệt độ cơ thể. Điều này làm tăng khối lượng công việc của cơ tim, qua đó làm tăng nguy cơ đau tim. Tuy nhiên, cơn đau tim chỉ xảy ra khi nhiệt độ thời tiết biến động cực đoan, thay đổi đột ngột.
Các yếu tố hành vi khác cũng được xem xét trong kết quả nghiên cứu này. Ví dụ, người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thay đổi chế độ ăn uống, khả năng mắc bệnh cúm và rối loạn cảm xúc theo mùa cũng được ghi nhận là có ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim.
Tiến sĩ Erlinge khuyên những người có nguy cơ bị đau tim (do tiền sử gia đình hoặc từng bị đau tim trong quá khứ) nên mặc nhiều lớp quần áo để giữ ẩm cơ thể trong mùa lạnh và nên ở trong nhà khi nhiệt độ môi trường xuống thấp.
Bên cạnh đó, bạn nên học cách thực hiện hồi sức tim phổi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về đau tim và nghỉ ngơi đầy đủ khi làm việc.