Nội dung bài viết:
- Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi biết làm gì?
- Theo dõi các chỉ số tăng trưởng của con sau tháng đầu tiên
- Vận động thô - Em bé 1 tháng tuổi biết làm gì?
- Vận động tinh - Trẻ sơ sinh biết làm gì?
- Khả năng thích ứng – Trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì?
- Ngôn ngữ và hành vi giao tiếp - Trẻ 1 tháng tuổi đã phát triển những gì?
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi biết làm gì?
Em bé sơ sinh 1 tháng tuổi biết làm gì khi phát triển theo từng tuần tuổi là đề tài rất được các ông bố bà mẹ quan tâm. Cùng Phụ Nữ Sức Khỏe tìm hiểu trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì theo tuần trong tháng đầu tiên sau khi chào đời:
1. Tuần đầu tiên
Bé sơ sinh chủ yếu vẫn cần thời gian để thích nghi với môi trường mới của mình, bé sẽ chuyển từ giai đoạn sống 9 tháng trong tử cung ấm áp của mẹ sang một nơi ở mới nằm ngoài cơ thể của người mẹ.
Trong tuần này hầu hết các hoạt động của trẻ sơ sinh giống như một búp bê xinh xắn, bé chỉ biết ngủ và dậy để ti mẹ, điều này có nghĩa là cha mẹ không thể quan sát được nhiều các hoạt động khác của con.
Trẻ sơ sinh ngủ 15-16 giờ một ngày và giờ giấc có thể thất thường vì bé vẫn chưa điều chỉnh chu kỳ ngày và đêm bình thường. Mẹ có thể giúp bé điều chỉnh bằng cách giới hạn các hoạt động chỉ ở ban ngày và giữ yên tĩnh, tối tăm vào ban đêm. Dần dần bé sẽ biết ban ngày là để chơi còn ban đêm là để ngủ.
2. Tuần lễ thứ hai sau khi chào đời
Bước sang tuần thứ 2, em bé sẽ bắt đầu thực hiện các động thái có kiểm soát hơn, tự nguyện hơn. Nếu tinh ý, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra các biểu hiện của sự thèm ăn và sự tăng trưởng của con. Bé sẽ ngủ ít hơn một chút và thức dài hơn một tí, tuy thay đổi rất nhỏ nhưng đây là cách bé cố gắng để thích nghi với thế giới bên ngoài. Đến tuần này, nếu để ý mẹ sẽ nhận thấy bé bắt đầu khóc nhiều hơn.
3. Tuần thứ ba của cuộc đời bé
Từ tuần thứ 3 trở đi, bé sẽ tiếp tục khóc và sẽ không dừng lại cho đến khi đạt đến 6 tuần tuổi. Tại thời điểm này, bé bắt đầu nhận thức được những gì xung quanh mình và có thể nhìn thấy các vật thể trong khoảng cách gần. Ở lứa tuổi này, mẹ có thể cho trẻ các loại đồ chơi sáng màu phù hợp với lứa tuổi của con.
4. Tuần cuối cùng của tháng đầu tiên
Bé sẽ trải nghiệm khoảnh khắc nằm sấp để chơi đùa một chút, mẹ có thể giúp bé di chuyển cánh tay và hỗ trợ nâng đầu lên một ít. Trong thời gian này, bé cũng sẽ bắt đầu tạo những tiếng ồn mới và bắt đầu biết chơi với đồ chơi. Một số em bé thậm chí có thể bắt đầu cười.
Theo dõi các chỉ số tăng trưởng của con sau tháng đầu tiên
Lúc mới sinh | |
Chiều dài | Bé trai: 46,8 – 53,6cm; trung bình: 50,2cm. Bé gái: 46,4 – 52,8cm; trung bình: 49,6cm. |
Cân nặng | Bé trai: 2,5 – 4kg; trung bình: 3,2kg. Bé gái: 2,4 – 3,8kg; trung bình: 3,1kg. |
Vòng đầu | Bé trai: 31,8 – 36,3cm; trung bình: 34cm. Bé gái: 30,9 – 36,1cm; trung bình: 33,5cm. |
Vòng ngực | Bé trai: 29,3 – 35,3cm; trung bình: 32,3cm. Bé gái: 29,4 – 35cm; trung bình: 32,2cm. |
Lúc đầy tháng | |
Chiều dài | Bé trai: 52,3 – 61,5cm; trung bình: 56,9cm. Bé gái: 51,7 – 60,5cm; trung bình: 56,1cm. |
Cân nặng | Bé trai: 3,8– 6,4kg; trung bình: 5,1kg. Bé gái: 3,6 – 5,9kg; trung bình: 4,8kg. |
Vòng đầu | Bé trai: 35,5 – 40,7cm; trung bình: 38,1cm. Bé gái: 35 – 39,8cm; trung bình: 37,4cm. |
Vòng ngực | Bé trai: 33,7 – 40,9cm; trung bình: 37,3cm. Bé gái: 32,9 – 40,1cm; trung bình: 36,5cm. |
Thóp | Trong quá trình sinh, do đường sinh đè ép nên sau khi sinh thóp có thể nhô ra, đây đều là hiện tượng hoàn toàn bình thường. |
Vận động thô - Em bé 1 tháng tuổi biết làm gì?
Bé vẫy đạp với động tác không theo quy tắc, không nhịp nhàng. Bé không thể vận động tùy ý muốn, không thể tự thay đổi tư thế và vị trí.
Khi nằm sấp, mông của bé sẽ nhổm lên cao, hai gối co lại, đầu nghiêng sang một bên, mặt áp sát xuống giường. Nếu mẹ đặt tay của bé ở trước ngực thì 2 chân của bé sẽ đạp không ngừng.
Khi nằm ngửa, đầu bé thường xoay nghiêng sang một bên, tay và chân ở cùng hướng xoay đầu của bé sẽ duỗi thẳng, tay và chân ở phía bên kia sẽ co lại.
Khi cầm cổ tay của bé để kéo bé ngồi dậy, đầu của bé sẽ gập về trước, cằm tựa vào ngực, lưng cong lại giống hình chữ C. Nếu vừa đùa với bé vừa kéo bé ngồi dậy thì đầu của bé sẽ ngả ra sau.
Nếu bé đang nằm sấp, mẹ dùng tay giữ lấy ngực và bụng của bé, đưa bé lên thì đầu và chân của bé sẽ thõng xuống.
Khi đỡ lấy nách bé để bé đứng lên trên một mặt phẳng cứng thì chân bé sẽ có những động tác giống như bước đi, nhưng khi bước về phía trước thì 2 bàn chân thường vướng vào nhau.
Vận động tinh - Trẻ sơ sinh biết làm gì?
Tay của bé thường hay nắm lại, nếu lấy đồ chơi chạm vào tay bé, tay của bé sẽ nắm chặt lại. Khi bé nắm chặt tay, ngón cái thường nằm bên trong bốn ngón kia. Bé 1 tháng tuổi về vận động tinh còn chưa thuần thục.
Khả năng thích ứng – Trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì?
Trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì về khả năng nhìn? Bé có thể nhìn thấy vật ở cách 25cm. Khi nằm ngửa, bé sẽ chú ý dõi theo những vật trong phạm vi tầm nhìn. Khi cầm vật di chuyển chầm chậm từ một bên đầu của bé sang phía bên kia, khi vật được di chuyển đến vị trí chính giữa, 2 mắt của bé sẽ nhìn theo nhưng tầm nhìn của mắt lại nhỏ hơn 90 độ.
Điều đó có nghĩa trẻ thấy khuôn mặt của người mẹ khi đang cho con bú. Thực tế trẻ sẽ thích nhìn mẹ hơn thú nhồi bông vì trẻ tự nhiên bị hấp dẫn bởi khuôn mặt người. Trẻ thích các đối tượng có tính tương phản cao vì chúng dễ nhìn hơn.
Đối với bé vừa đầy tháng, mẹ có thể nhận thấy đôi mắt của bé bị lé khi cố gắng tập trung. Điều đó là bình thường vì khả năng điều khiển mắt của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ.
Bé có những phản ứng khác nhau đối những âm thanh khác nhau. Khi nghe âm thanh chậm, đều, bé sẽ mở to mắt, mỉm cười nằm im. Khi nghe những âm thanh tương đối lớn và đột ngột, bé sẽ giật mình… Nếu bị giật mình, em bé sẽ nhanh chóng đưa hai tay và chân ra ngoài và sau đó đưa về bình thường, gọi là phản xạ Moro.
Mặc dù khả năng nghe chưa phát triển đầy đủ nhưng trẻ sơ sinh có thể nhận ra âm thanh đặc biệt là tiếng nói của cha mẹ vì chúng đã nghe âm thanh này trong bụng mẹ. Trẻ đặc biệt thích những âm thanh the thé. Nếu em bé dường như không đáp ứng với tất cả các âm thanh thì hãy đưa trẻ đi khám.
Khi bị ánh sáng chiếu vào mắt, con ngươi của bé sẽ thu nhỏ lại, chớp mắt hoặc nhíu mắt, mắt xuất hiện những động tác không nhịp nhàng…
Chu kỳ giấc ngủ của bé 1 tháng tuổi khác biệt rất nhiều với người lớn. Trẻ sơ sinh ngủ mà mắt chuyển động nhanh (REM sleep) hơn là giấc ngủ sâu mà mắt không chuyển động (non-REM sleep). Điều này có nghĩa là em bé dễ thức dậy trong những tuần đầu tiên.
Trẻ thích vị ngọt nhưng vị giác vẫn chưa đủ trưởng thành để phân biệt vị cay, đắng và chua.
Trẻ ngay từ khi sinh ra đã có ý thức tốt về mùi, có thể chọn ra hương thơm của núm vú và sữa mẹ trong những ngày đầu tiên của cuộc đời.
Trong tháng đầu tiên, bé bú sữa mẹ 8-12 lần/ngày (mỗi 2-3 giờ). Trẻ bú bình có thể chỉ cần ăn 6-8 lần. Mẹ sẽ biết ngay khi em bé đang đói vì bé sẽ bắt đầu di chuyển đầu qua lại tìm núm vú hoặc mở miệng ngay khi mẹ chạm vào má bé. Bé ăn đủ sẽ hài lòng và rơi vào giấc ngủ. Dấu hiệu của một em bé ăn đủ là tã ướt từ 4-6 lần/ngày.
Em bé 1 tháng tuổi có thể quay đầu khi đang nằm nhưng cổ bé vẫn chưa đủ khỏe để hỗ trợ giữ đầu khi đứng thẳng, vì vậy bố mẹ hãy đặt bàn tay dưới đầu em bé khi bế con lên.
Ngôn ngữ và hành vi giao tiếp - Trẻ 1 tháng tuổi đã phát triển những gì?
Bé có thể phát ra những âm thanh nhỏ. Khi người mẹ nói chuyện với bé, bé sẽ nhìn chăm chú vào mặt của mẹ. Khi bé khóc, mẹ hoặc bố đến vỗ về và nói chuyện với bé thì bé sẽ nín khóc, thậm chí là có thể gật đầu theo nếu bố mẹ gật đầu với con.
Bé sẽ nhìn chăm chú vào người ở bên cạnh. Khi kiểm tra cơ thể hoặc thay tã, bé sẽ chú ý đến người kiểm tra hoặc người thay tã.
Khi thức, phần lớn thời gian bé sẽ nhìn mọi vật xung quanh. Khi xuất hiện mục tiêu của mình, bé sẽ nhìn chăm chú trong thời gian ngắn.
Trẻ sơ sinh từ 0-1 tháng tuổi rất mỏng manh và nhạy cảm. Nuôi con trong thời kỳ này mẹ cần biết được trẻ 1 tháng tuổi biết làm gì và theo dõi các chỉ số phát triển của bé để biết bé có đang phát triển tốt không. Đồng thời hãy chăm sóc thật tốt cho con để con khỏe mạnh, tăng trưởng ổn định.