Ngày 2/7, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay trong vòng 18 tháng gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị viêm não tự nhiễm NMDA hiếm gặp với độ tuổi trung bình là 23.
Hầu hết người bệnh đều có u quái ở buồng trứng, nhập viện trong tình trạng nặng, đã hôn mê, co giật, dẫn tới việc điều trị rất phức tạp. Tính đến nay, 9/18 trường hợp đã được điều trị khỏi, 4 bệnh nhân đang điều trị, còn 4 ca khác đã không qua khỏi.
Đối với các trường hợp khỏi bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với ê-kíp Bệnh viện Hùng Vương áp dụng các phương pháp kỹ thuật cao điều trị trong khoảng 6 tuần. Thời gian để bệnh nhân hồi phục cần khoảng 3 tháng. Chi phí điều trị trung bình cho mỗi ca rơi vào khoảng một tỷ đồng.
Trước đây, từ năm 2015 đến 2016, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng ghi nhận 9 ca viêm não tự miễn NMDAR, đều được chuyển đến từ Bệnh viện Tâm thần, chưa có rối loạn tâm thần tri giác.
8 bệnh nhân trong số đó được xuất viện và điều trị ở các cơ sở y tế tuyến dưới nhưng chỉ 4 người hồi phục gần như hoàn toàn và có thể bắt đầu trở lại làm việc vào 8 tháng sau đó.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, viêm não tự miễn là tình trạng tổn thương nhu mô não do các tác nhân là tự kháng thể do cơ thể sản xuất. Bệnh được phát hiện năm 2007. Đến nay, thế giới vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn về phác đồ điều trị.
Viêm não tự miễn NMDAR có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người bình thường mắc bệnh khi virus tấn công các tế bào thần kinh hoặc các khối u, thường là u quái buồng trứng chứa mô tế bào thần kinh. Lúc này, virus phóng thích kháng thể NMDA, tấn công hệ thần kinh trung ương và làm tổn thương não bộ ở nhiều mức độ khác nhau.
Bệnh nhân viêm não tự miễn thường có 6 nhóm triệu chứng gồm:
- Hành vi bất thường hay rối loạn nhận thức
- Rối loạn chức năng ngôn ngữ
- Co giật
- Rối loạn vận động, loạn động, động tác bất thường
- Rối loạn tri giác (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê)
- Rối loạn chức năng thực vật, thở nhanh
Theo TS Hùng, viêm não tự miễn NMDAR gặp ở phụ nữ trẻ, đặc biệt ở người có u quái buồng trứng. Tỷ lệ không qua khỏi rất cao, gần như 100%, nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Khi người bệnh rơi vào tình trạng nặng, việc điều trị trở nên khó khăn phức tạp, chi phí cao. Quá trình điều trị lâu dài, phức tạp, cần phải có những biện pháp can thiệp kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu ngoài cơ thể, thay huyết tương, thuốc đắt tiền. Trong một số trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật khối u (nếu có) để ngăn chặn nguồn tạo ra kháng thể NMDA.
Do đó, TS Hùng khuyến cáo mọi người cần chú ý để phát hiện sớm căn bệnh này khi người thân có tình trạng thay đổi thói quen, tinh thần, giảm trí nhớ, lên cơn co giật mà không rõ lý do hay có vận động bất thường không chủ ý.