Giải pháp ăn kiêng đột phá này mở ra những khả năng mới giúp kéo dài tuổi thọ và củng cố quá trình lão hóa lành mạnh.
Phương pháp mới này được thử nghiệm trên ruồi giấm, tập trung vào việc giảm thiểu isoleucine trong thời gian ngắn. Nghiên cứu đã cho thấy kết quả đáng chú ý, mở ra con đường mới giúp chúng ta tìm hiểu tác động của chế độ ăn uống đối với tuổi thọ và cách duy trì sức khỏe
Isoleucine là một axit amin quan trọng tham gia chủ yếu vào quá trình tổng hợp protein trong cơ thể. Đây cũng là một trong 9 axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được mà cần phải bổ sung từ bên ngoài. Isoleucine thường được tìm thấy trong các thực phẩm như ngũ cốc, rong biển, thịt gà, thịt cừu, pho mát, cá, đậu nành, trứng, các loại đậu, sữa…
Cuộc nghiên cứu này do nghiên cứu sinh tiến sĩ Tahila Fulton đến từ Khoa Khoa học Sinh học thuộc Đại học Monash dẫn đầu và vừa được công bố trên tạp chí khoa học GeroScience. Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc loại bỏ isoleucine - một loại axit amin thiết yếu khỏi chế độ ăn uống không liên tục và trong thời gian ngắn hạn sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng chống lại căng thẳng và kéo dài tuổi thọ ở ruồi giấm.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Tahila Fulton cho biết: "Khác với nhịn ăn gián đoạn thông thường, phương pháp này không yêu cầu giảm đáng kể tổng lượng thức ăn tiêu thụ, biến nó thành cách ăn kiêng thực tế và khả thi hơn. Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ mở rộng kiến thức về tác động của chế độ ăn đối với tuổi thọ mà còn có tiềm năng cách mạng hóa việc lựa chọn chế độ ăn và kéo dài tuổi thọ".
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một chế độ ăn hạn chế vừa phải tất cả các axit amin có thể giúp chống lại căng thẳng, nhưng để tăng tuổi thọ thì chế độ ăn này cần phải được tuân thủ trong thời gian dài ở độ tuổi trưởng thành.
Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Monash lại phát hiện ra rằng chế độ ăn thiếu hụt một loại axit amin thiết yếu trong thời gian ngắn có thể tăng cường khả năng kháng độc tố của ruồi trưởng thành. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về hiệu quả của chế độ ăn này đối với những con ruồi già cũng như việc nó có thể gây ra ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe về lâu dài.
"Chúng tôi vẫn chưa biết liệu việc loại bỏ một loại axit amin trong thời gian ngắn có giúp kéo dài tuổi thọ hay không và nếu có thì việc này cần được áp dụng khi nào và trong bao lâu" - cô Fulton chia sẻ thêm.
Để tìm hiểu vấn đề này, nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash bắt đầu với việc đánh giá xem liệu ruồi có thể đạt được khả năng dung nạp nicotin sau những đợt giảm thiểu isoleucine trong thời gian ngắn khi chúng già đi hay không.
Nhóm nghiên cứu nuôi ruồi trong 1, 2, 3 hoặc 5 tuần (trong vòng đời trung bình khoảng 9 tuần của chúng) bằng chế độ ăn tổng hợp đầy đủ dinh dưỡng, sau đó chuyển sang chế độ ăn không có isoleucine trong 1, 3, 5 hoặc 7 ngày. Sau cùng là đo lường khả năng sống sót của chúng khi tiếp xúc với chất độc gây chết người.
Dựa trên những số liệu này, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc cho ruồi nhịn ăn isoleucine trong một tuần ở giữa 3 tuần và trong một tuần cuối ở giai đoạn 5 tuần vòng đời của chúng đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ, bất kể chế độ ăn trước và sau đó. Điều đó cho thấy chế độ ăn giảm thiểu isoleucine ít hà khắc hơn nhưng vẫn mang đến những lợi ích tương tự các phương pháp nhịn ăn thông thường.
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm: "Khám phá này thách thức những quan niệm cứng nhắc về việc điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm mang lại lợi ích về tuổi thọ và sức khỏe. Nghiên cứu không chỉ nâng cao hiểu biết về tác động của chế độ ăn đối với tuổi thọ của ruồi giấm mà còn đề xuất một giải pháp mới ít xâm lấn hơn phục vụ cho nghiên cứu về lão hóa ở các loài khác. Phương pháp hạn chế một loại axit amin cụ thể không chỉ là phương án thay thế khả thi cho phương pháp nhịn ăn gián đoạn mà còn tạo điều kiện cho các nghiên cứu chọn lọc giúp tìm hiểu về cơ chế đằng sau các biện pháp can thiệp vào chế độ ăn".