Những người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, hay còn gọi là TikToker thường sẽ kiếm được khoản tiền lớn từ các nhãn hàng và hình thức tiếp thị liên kết (affiliate). Khoản tiền này được trao đổi dựa vào lượt tương tác, lượt theo dõi và traffic và những TikToker này có thể tạo dựng được từ video.
Vì vậy, không ít TikToker sẵn sàng tạo những nội dung phản cảm, đi ngược với đạo đức nhằm thu hút tương tác, tăng độ nổi tiếng nhằm kiếm thêm nhiều thu nhập hơn. Gần đây nhất chính là TikToker có tài khoản @tuanbrice, hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi "Nờ Ô Nô" với những video gây khó chịu đến người xem.
Thu nhập chính từ các nhãn hàng
Chia sẻ với Zing, anh Hạnh Nguyễn - Giám đốc marketing của một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM - cho biết, lý do nhiều TikToker sẵn sàng đăng tải những nội dung "bẩn" bởi nguồn thu lớn từ việc hợp tác với các nhãn hàng và hình thức tiếp thị liên kết (affiliate).
Theo anh Hạnh Nguyễn, chính những người làm marketing, truyền thông là nguồn thu nhập cho các TikToker bởi các nhãn hàng sẽ lựa chọn đối tác KOC, KOL (người có ảnh hưởng trên MXH) thông qua các chỉ số về lượt xem, lượt tương tác và traffic (lưu lượng truy cập). Vì vậy, nhiều TikToker sẵn sàng đánh đổi giá trị nội dung để đổi lấy sự nổi tiếng.
Ở trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô, tương tác lớn từ những video giúp nam thanh niên này nhận được nhiều sự chú ý từ những nhãn hàng đang chạy các chiến dịch truyền thông quảng cáo.
"Chính cộng đồng những người làm truyền thông, marketing là nguồn thu nhập, là người lựa chọn KOL, KOC cho nhãn hàng chứ nguồn thu nhập của những TikToker thật sự không đến từ nền tảng. Chỉ số lựa chọn KOL, KOC dựa trên lượt tương tác và lượt xem, số lượng người theo dõi vì vậy mới xảy ra việc nhiều TikToker bóp méo giá trị nội dung", anh Hạnh chia sẻ thêm
Theo khảo sát của Zing, những TikToker có lượt theo dõi cao như Nờ Ô Nô có thể được trả khoản tiền khoảng 10-30 triệu đồng/video, bài viết quảng cáo cho nhãn hàng. Cá biệt, nhiều trường hợp TikToker còn có có mức thù lao lên đến 50 triệu đồng/video.
Anh Nguyễn D. (29 tuổi, TP.HCM) - quản lý tại một nhà hàng tại quận 1, TP.HCM - cho biết, quán anh sẽ thường xuyên mời các TikToker làm về mảng ẩm thực đến ăn và lên các video quảng cáo cho nhà hàng. Thông thường, quán sẽ lựa chọn các TikToker dựa vào lượt theo dõi cũng như độ tương tác của người đó trên nền tảng.
Khi hỏi về thước đo cho một video quảng cáo thành công trên nền tảng, anh D. cho biết đối với các quán ăn, chỉ cần video lên xu hướng, có độ hiển thị cao là đã thành công hơn một nửa. Tuy nhiên, nội dung của video cũng phải được chú trọng.
"Video quảng cáo TikToker quay thì chỉ cần cam kết lượt traffic, độ hiển thị và lượt tương tác là thành công rồi, tuy nhiên nội dung video cũng cần phải có chuẩn mực, được nhà hàng duyệt trước để tránh gây phản ứng ngược khi đăng tải. Vì vậy tôi thường chấp nhận số tiền thù lao cao hơn, mời các TikToker có độ hot, ít dính các vụ bê bối ", anh D. chia sẻ.
Chính mức thu nhập cao đi kèm sự nổi tiếng dễ dàng, không ít những nhà sáng tạo nội dung đã lựa chọn hướng đi sai lệch, trở thành những KOC, KOL tự phong với những sản phẩm sáng tạo không mang được giá trị tích cực cho xã hội.
Nhãn hàng, nhà quảng cáo cần nhận thức vấn đề "an toàn thương hiệu"
Tại buổi hội thảo về quảng cáo trực tuyến, được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 30/11, nhiều đơn vị và mạng lưới quảng cáo lớn bày tỏ quan điểm về vấn đề an toàn thương hiệu và cách thương hiệu tránh những ảnh hưởng trực tiếp khi bị gắn với nội dung bẩn.
Đối với vấn đề nội dung xấu, vi phạm pháp luật, các nền tảng chịu trách nhiệm chính trong việc để lọt, qua đó khiến quảng cáo hiển thị ở bên cạnh của thương hiệu bị ảnh hưởng.
“Các nền tảng xuyên biên giới, YouTube, Facebook, TikTok vẫn rất dễ dãi trong việc cho kiếm tiền qua quảng cáo mà không kiểm duyệt nội dung cấm, phản cảm, vi phạm pháp luật”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết.
Trong khi đó, đại diện một mạng lưới quảng cáo lớn cho rằng nhiều thương hiệu đề cao tính an toàn vẫn có thể đảm bảo không vi phạm. Vị này dẫn chứng ví dụ gần đây là việc nhiều hãng dừng quảng cáo trên Twitter vì thấy có nguy cơ ảnh hưởng thương hiệu về sau, trong khi nền tảng chưa có vi phạm gì.
Vị này cũng cho rằng nhiều đại lý quảng cáo hiện tại ở Việt Nam đang chọn cắt phần ngân sách an toàn thương hiệu trong ngân sách chung của quảng cáo, và coi trọng những chỉ số như lượt xem, lượt tiếp cận hơn.
"Cắt an toàn thương hiệu, hạ giá phần này là dễ nhất. Vậy là ai bán rẻ sẽ được lợi. Đây là thứ các nhãn quảng cáo rất khó cảm giác, trong khi hiện được ở đâu, đo KPI thì cảm giác được. Vậy muốn đảm bảo, hãy tách chi phí an toàn thương hiệu ra khỏi ROI (chỉ số ghi nhận hiệu quả trên số tiền bỏ ra - PV)", vị này chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cũng thừa nhận sẽ khó kiểm soát vấn đề PR, tức là đơn vị trả tiền để người làm nội dung quay phim, đưa thông tin về cơ sở kinh doanh. Nền tảng này có thể kiểm soát những quảng cáo chạy chính thức qua nền tảng, nhưng nhiều đơn vị hoặc doanh nghiệp nhỏ không sử dụng hình thức đó.
Do đó, đại diện TikTok cho biết nền tảng này đang tổ chức những khóa đào tạo về an toàn thương hiệu, cũng như hoàn toàn ủng hộ quyết định phạt những quảng cáo có vi phạm mà Bộ TTTT đã nêu.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết sẽ xây dựng “danh sách trắng”, các “vị trí” khuyến khích các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên treo quảng cáo. Danh sách này gồm các nền tảng mạng xã hội, báo, trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung tuân thủ pháp luật.
Danh sách trắng sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT và trang web của Cục PTTH& TTĐT vào đầu năm 2023.