Không xác định bé bị bệnh dại
Ngày 25/8, trao đổi với PV Dân trí về trường hợp bé gái 15 tuổi có triệu chứng bị bệnh dại, bác sĩ Bùi Kim Đắng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết bệnh viện chỉ chẩn đoán bé bị dại lâm sàng.
"Viện Pasteur không làm xét nghiệm được, bệnh viện cũng không xét nghiệm nên không xác định bé bị bệnh dại", bác sĩ Đắng cho hay.
Theo bác sĩ Đắng, bệnh dại thì không có điều trị đặc hiệu. Trường hợp của bé N. chỉ theo dõi điều trị các triệu chứng.
"Lúc đầu bé không ăn uống được, chúng tôi nuôi ăn uống bằng đường tĩnh mạch. Còn khi trẻ bị co giật thì dùng thuốc chống co giật, hạ canxi thì điều trị hạ canxi", bác sĩ Đắng nói.
Bé N. đã được xuất viện hôm nay, sức khỏe trở lại bình thường.
Hơn một tháng trước, em H.T.N. (15 tuổi, ngụ tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có đến nhà người quen chơi thì bị chó cắn vào chân, tay gây chảy máu khiến em bất tỉnh.
Người nhà đưa em N. đến Bệnh viện đa khoa Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cấp cứu rồi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau điều trị tiếp. Sau đó, em N. được cho xuất viện và hướng dẫn tiêm phòng bệnh dại.
Ngày 11/7, em N. đến Trung tâm y tế huyện Năm Căn tiêm phòng bệnh dại và nhiều ngày sau đó đã tiêm được 4 mũi vaccine. Tuy nhiên, đến ngày 2/8, em N. xuất hiện các triệu chứng bất thường như sợ ánh sáng, sợ nước, nhào cắn những người xung quanh. Sau đó, gia đình đưa em N. đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau điều trị.
Khoa học chưa có thuốc chữa người đã phát cơn dại
Nắm thông tin qua báo chí, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, đây là một ca bệnh vẫn được giới chuyên môn gọi là dại tưởng tượng hoặc giả dại. Lý do vì từ xưa đến nay, một người khi đã lên cơn dại thì không có thuốc chữa (100% tử vong). Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định điều này.
Ngoài ra, trẻ tiêm được 4 mũi, nghĩa là ngày thứ 14 mới có biểu hiện của bệnh dại. Như vậy, theo lý thuyết lúc đó con chó chắc chắn phải chết vì bệnh dại. Nếu con chó vẫn sống thì không thể là chó dại. Mà nếu con chó còn sống thì người bị cắn không thể bị bệnh dại được.
Theo ông cần phải hỏi xem tình trạng của con chó hiện nay ra sao? Ngoài ra, cũng cần đặt câu hỏi về chất lượng của vaccine (tiêm loại nào, có tiêm huyết thanh kháng dại không, sau tiêm có tác dụng phụ gì, quá trình theo dõi và xử lý tác dụng phụ sau tiêm như thế nào...).
"Chính chi tiết cắn người xung quanh là triệu chứng không thể có ở bệnh nhân dại. Có thể tâm lý trẻ ở độ tuổi này đang không ổn định, do quá hoảng sợ nên trẻ cố gắng "diễn" những triệu chứng của bệnh dại mà mình tưởng tượng ra hoặc đọc trong sách vở", PGS Cường nói.
Theo ông, bệnh nhân này cần được khám hội chẩn bởi các chuyên gia về tâm lý.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng bệnh nhân một khi đã lên cơn dại thì không thể cứu được. Trường hợp trên có thể là giả dại, do bị ám ảnh tâm lý nên có những biểu hiện về lâm sàng giống như người bị dại.
"Ngoài ra, thời gian ủ bệnh của bệnh dại thường khá dài cả tháng, có trường hợp một năm. Thời gian phát bệnh như trường hợp này là quá ngắn mà nếu ngắn như thế bệnh càng nặng, càng dễ tử vong", vị bác sĩ này chia sẻ.
Khi bị chó cắn cần tránh xa các ông lang
Bệnh dại từ xưa đến nay luôn để lại nỗi ám ảnh, hoảng sợ trong dân chúng. Vì thế, đã có nhiều trường hợp giả dại hoặc dại tưởng tượng. Thực tế, họ bị chó bình thường cắn nhưng quá lo sợ nên tưởng tượng ra mình lên cơn dại, cũng có các triệu chứng như "sợ gió, sợ nước"... Cuối cùng, sau một thời gian bệnh nhân không chết vì dại, nhân cơ hội này một số bác sĩ lang băm nhận là chữa khỏi.
"Trước đây, vào những năm 90 của thế kỷ trước ở Hà Nội cũng từng có những ông lang tự nhận là chữa khỏi bệnh dại. Sau đó, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định thực chất chỉ là chữa khỏi cho người bị giả dại", PGS Cường nói.
Để chẩn đoán, bác sĩ lâm sàng chuyên khoa sẽ phải căn cứ vào dịch tễ (chó dại cắn sẽ chết trong vòng 7-10 ngày), triệu chứng điển hình của bệnh dại. Cụ thể, ở thể hung dữ, bệnh nhân sẽ sợ nước, sợ gió, tiết đờm, có tiếng thít thanh quản khi uống nước hoặc quạt gió, mất ngủ, bồn chồn, cương dương xuất tinh ở nam giới hoặc ở thể liệt "hướng thượng" (liệt 2 chân rồi liệt tứ chi). Kết cục vẫn là tử vong, tối đa sau 1-2 tuần.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để xác định bệnh dại qua mẫu máu, nước bọt, nước tiểu, sinh thiết da gáy...
Hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bệnh dại bằng vaccine
Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm nên vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí đã quên mất từng bị chó cắn.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vaccine phòng dại thế hệ mới là vaccine vô bào, chất lượng vaccine rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng.