Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa thời tiết lạnh và bệnh tim mạch. Cụ thể, thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ mắc và cũng làm trở nặng hơn các bệnh về tim mạch.
Lý do trời lạnh làm tăng nguy cơ mắc, trở nặng bệnh tim mạch
Nghiên cứu kéo dài 16 năm (1994 - 2010) của nhóm nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư, Tiến sĩ Stefan Agewall thuộc Đại học Oslo ở Na Uy khẳng định thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhập viện và tử vong.
Thông qua nhiều nghiên cứu, Viện Xã hội và Y tế dự phòng tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ đã kết luận rằng tần suất bệnh tim mạch cao nhất trong những tháng mùa đông và thấp nhất vào mùa hè. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh tuyên bố, cứ giảm mỗi 1 độ C nhiệt độ môi trường, số lượng người có cơn đau tim tăng lên 200 người ở Anh.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Giáo sư Wu Jianyuan, trưởng nhóm Phòng chống và kiểm soát bệnh mãn tính của Dịch vụ y tế Đài Loan (Đài Loan, Trung Quốc) nói: nhiệt độ xuống thấp chính là lúc hệ tim mạch của chúng ta hoạt động khó khăn hơn. Đặc biệt là với những người lớn tuổi và những người có sẵn nguy cơ/đang mắc bệnh tim mạch, bị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu cao…
Nhiệt độ thấp mùa đông có thể tác động tiêu cực lên trái tim do cơ chế tự bảo vệ bằng cách co mạch, tăng huyết áp và tăng nhịp tim để giữ cho cơ thể ấm áp. Hơn nữa, thời tiết lạnh gây ra những thay đổi nồng độ một số thành phần trong máu, có thể làm tăng nguy cơ đông máu, co mạch làm cho mạch máu bị thu hẹp và lưu thông khó khăn hơn.
Trời lạnh cũng dẫn tới tình trạng nhiệt độ trong nhà và ngoài trời việc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ như từ trong phòng ấm ra trời lạnh, tắm nước quá nóng so với nhiệt độ bên ngoài… dẫn đến tình trạng mạch máu co thắt, cơ thể giữ nước, huyết áp tăng cao đột ngột cùng các tai biến như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
7 dấu hiệu bệnh tim mạch vào mùa đông ai cũng cần chú ý
Khi cảnh báo về phòng chống bệnh tim mạch mùa đông trên báo điện tử ETtoday, Giáo sư Wu Jianyuan chia sẻ, mặc dù biến đổi khí hậu làm một số nơi nóng lên, mùa đông đến muộn hơn nhưng cũng không ít nơi trở nên lạnh bất thường. Nhất là nếu mùa đông đến muộn hơn bình thường, nhiều người, nhất là người trẻ sẽ có xu hướng lơ là trong chuẩn bị giữ ấm, xem nhẹ sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và dễ bị bệnh tim mạch tấn công hơn.
Như đã nói, những người có bệnh nền về tim mạch và rối loạn chuyển hóa sẽ thường dễ mắc và chịu ảnh hưởng xấu tới tim mạch mạnh hơn khi thời tiết lạnh. Nhưng thực tế, các bệnh này đều trẻ hóa rất nhanh, thậm nhiều người trẻ mắc bệnh nhưng không hề hay biết, đặc biệt là huyết áp cao và tiểu đường.
Vì vậy, ông nhắc nhở rằng có 7 dấu hiệu tim mạch gặp vấn đề mà bất cứ lứa tuổi nào cũng cần hết sức lưu ý vào mùa đông, đó là:
- Tức hoặc đau ngực.
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Đau đầu.
- Buồn nôn, nôn khan.
- Khó thở.
- Chóng mặt, hay choáng váng bất chợt hoặc thậm chí là ngất xỉu.
- Một số bất thường khác như: khóe miệng lệch, khuôn mặt đột nhiên không cân xứng, khó phát âm, tụ máu ở tay chân khó hiểu, tê bì hoặc không thể cử động một bên tay/chân hay nửa cơ thể.
Nếu xuất hiện 1 trong số các triệu chứng kể trên, tuyệt đối đừng xem nhẹ. Cách tốt nhất là đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Còn nếu xuất hiện 1 hoặc 2 dấu hiệu nằm ở nhóm từ số 1 tới số 6, cộng thêm 1 trong số các bất thường ở số 7 thì ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Đừng bỏ lỡ 3 giờ vàng điều trị bởi cái giá phải trả rất có thể là tính mạng.
Giáo sư Wu Jianyuan cũng liệt kê những việc cần làm để phòng chống, giảm thiểu nguy cơ của bệnh tim mạch vào mùa đông. Đầu tiên là chú trọng giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ, mũi. Ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường vận động. Tuy nhiên, cần nhớ khởi động kỹ trước khi tập luyện, bổ sung nước kịp thời, tránh thời điểm nhiệt độ quá thấp vào sáng sớm và buổi tối muộn. Tốt nhất là không nên đi tập một mình, không tập luyện sau bữa ăn và tập luyện quá sức.
Nên cố gắng giảm thiểu chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà với ngoài trời. Ví dụ như không cởi bỏ áo khoác ngay sau khi vào nhà, không tắm nước quá nóng ngay sau khi đi ngoài trời lạnh về, không vội vã ra ngoài trời lạnh khi đang ngồi lò sưởi…
Ngoài ra, dù có bệnh nền tim mạch, rối loạn chuyển hóa hay không thì vẫn nên tự đo huyết áp, tự kiểm tra sức khỏe sơ bộ thường xuyên. Còn những người thuộc nhóm nguy cơ cao thì càng cần phải cảnh giác, nhờ tới sự hỗ trợ của bác sĩ thường xuyên hơn.