Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm có thể khởi phát ở bất kỳ phần nào của dạ dày. Căn bệnh này thường phát triển chậm, khó phát hiện cho tới khi bệnh tới giai đoạn nặng.
Lúc này, người mắc bệnh xuất hiện triệu chứng phổ biến như giảm cân đột ngột, chán ăn, thiếu máu không rõ nguyên nhân, cảm giác no hơi kéo dài, đau bụng, buồn nôn, máu trong phân.
Dưới đây là một số thói quen sống hằng ngày tưởng chừng vô hại, nhưng góp phần làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ác tính này.
Muối và thực phẩm lên men bằng muối
Ăn nhiều thực phẩm, thức ăn nhanh chứa nhiều muối, hay các thực phẩm lên men bằng muối như cá muối, thịt muối, dưa cải muối, dưa chua làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Mmuối có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm, cuối cùng dẫn đến phát triển tế bào ung thư. Vì thế kiểu chế độ ăn uống này góp phần vào sự phát triển của căn bệnh ác tính.
Đồ ăn quá nóng
Ăn đồ ăn quá nóng có thể gây nguy hiểm cho dạ dày, vì màng nhầy của đường tiêu hóa không được thiết kế để xử lý thức ăn có nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C.
Điều này sẽ gây bỏng dạ dày và dẫn đến viêm nhiễm, về lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày. Tốt hơn hết bạn nên tránh ăn đồ quá nóng, vì nó chỉ gây nguy hiểm thêm cho sức khỏe tiêu hóa.
Ăn trái cây chua khi bụng đói
Việc ăn trái cây chua có tính axit cao khi bụng đói chắc chắn không tốt cho sức khỏe. Khi chúng ta đói, axit dạ dày trong dạ dày sẽ đạt nồng độ cao, nếu kết hợp với trái cây chua sẽ gây kết tủa trong dạ dày.
Một khi khối kết tủa lớn hình thành, áp suất không khí trong dạ dày của bạn sẽ theo đó tăng lên, gây ra hiện tượng sưng tấy viêm nhiễm dạ dày, cùng các triệu chứng liên quan khác. Về lâu dần, nếu không kiểm soát tình trạng, nó dễ chuyển sang ung thư dạ dày.
Béo phì
Tiến sĩ Vinay Bhatia, Trưởng phòng thí nghiệm sinh học phân tử Oncquest Laboratories Limited, Ấn Độ cho biết, căn bệnh béo phì đang gây ra những hậu quả sâu rộng, trong đó có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao.
Các nghiên cứu y học gần đây đã chỉ ra mối tương quan giữa chứng béo phì và nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Hút thuốc lá
Sự nguy hiểm của thói quen hút thuốc lá không chỉ dừng lại ở bệnh ung thư phổi, mà còn lan tới cả ung thư dạ dày. Khói thuốc lá có chứa nhiều chất gây ung thư có thể góp phần vào sự phát triển của khối u ác tính ở niêm mạc dạ dày.
Uống rượu quá nhiều
Uống rượu quá nhiều trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Thói quen này sớm gây viêm, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho căn bệnh ung thư dạ dày phát triển.
Lịch sử mắc bệnh của gia đình và đột biến gene
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ác tính này. Đột biến gene di truyền cũng đóng một vai trò then chốt. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nên sàng lọc di truyền, tầm soát ung thư thường xuyên để kiểm soát nguy cơ mắc bệnh.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)
Việc bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, tình trạng viêm này làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Vì thế, người bệnh nên tìm cách điều trị loại bỏ thủ phạm vi khuẩn này càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán và điều trị
Thực tế, triệu chứng của ung thư dạ dày khó phát hiện sớm, rõ ràng cho đến khi bệnh bước vào giai đoạn nặng, điều này tạo ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự kết hợp của các xét nghiệm hình ảnh, nội soi và sinh thiết có thể giúp xác định rõ căn bệnh ung thư dạ dày.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, vị trí của ổ bệnh trong dạ dày và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Tóm lại, việc xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày liên quan đến việc tìm hiểu các yếu tố nhiều mặt góp phần vào sự khởi phát của bệnh. Từ thói quen ăn kiêng đến lựa chọn lối sống, mỗi yếu tố đều đóng vai trò thúc đẩy, hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm.
Hơn nữa, chúng ta cần được trang bị kiến thức đầy đủ để thực hiện các bước chủ động, nhằm ngăn ngừa và phát hiện sớm căn bệnh ung thư dạ dày.