Người đàn ông 38 tuổi, ở Hà Giang, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn nhiều. Trước đó, bệnh nhân đã đau dai dẳng suốt 2 tuần, khó tiêu.
Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ phát hiện dạ dày của bệnh nhân có khối bã thức ăn ứ đọng nhưng chưa can thiệp để lấy ra. Do đó, ông tiếp tục được chuyển xuống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo các bác sĩ, khối dị vật trong dạ dày của người đàn ông này là bã thức ăn màu vàng, đặc quánh.
Ê-kíp nội soi đã cắt nhỏ từng phần khối bã thức ăn bằng dụng cụ đặc biệt. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn uống nước ngọt có ga để dạ dày có thể tự tiêu hoá khối bã thức ăn.
May mắn, người đàn ông được phát hiện sớm nên khối dị vật chưa gây biến chứng loét hay chảy máu dạ dày. Sau khi được can thiệp, bệnh nhân ổn định sức khỏe và xuất viện.
Khai thác bệnh sử, người đàn ông cho hay trước đó có ăn lượng lớn quả ngõa trồng tại vườn nhà cùng mật ong trong thời gian dài. Bệnh nhân lại thường hay ăn lúc bụng đói.
Ngõa là một trong những loại trái cây nhiều chất xơ. Việc ăn số lượng lớn thực phẩm có nhiều chất xơ và tanin như hồng, ổi, sung, măng, ngõa có thể là nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, lúc dạ dày rỗng, chúng dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Lâu ngày, chúng to dần lên gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, nôn buồn nôn, chảy máu tiêu hoá do loét ở vị trí cọ xát tỳ đè, tắc ruột...
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn chứa nhiều chất xơ và tanin, nhất là không nên ăn khi đói. Mọi người cũng nên ăn chậm, nhai kỹ và uống nhiều nước.
Nếu gặp tình trạng đau bụng, buồn nôn sau khi vô tình nuốt phải mảnh thức ăn lớn hoặc ăn chất chát dính, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để được sớm phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng.