Khi đi chợ, các bà nội trợ nên nhớ một bộ phận mà hạ giá rẻ đến mấy cũng không nên mua về chế biến. Đây chính là phần hay chọc tiết lợn nên thịt có màu đỏ được gọi là thịt cổ lợn hay thịt cổ máu.
Thậm chí, phần thịt xay trông rất tươi ngon được bày bán sẵn vô cùng tiện lợi để chế biến các món ăn như chả lá lốt, đậu phụ nhồi thịt... cũng có thể đã bị pha trộn lẫn loại thịt này vào.
Hạch bạch huyết của lợn là những cục màu trắng xám hoặc vàng nhạt, phân bố khắp cơ thể lợn. Các hạch này đều chứa mầm bệnh như vi khuẩn và virus, vừa có mùi hôi khó chịu lại còn có thể trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể, rất khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao.
Phần thịt thường chứa hạch bạch huyết là cổ lợn. Để bảo vệ sức khỏe, khi đi chợ bạn nên tránh mua loại thịt này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, cổ lợn là một trong những bộ phận không nên ăn. Khi lợn bị giết, vùng cổ là nơi chọc tiết vì vậy có rất nhiều máu tích tụ lại ở vùng này. Ngoài ra, vùng cổ cũng là nơi mà lợn thường được tiêm thuốc.
Vì lẽ đó, thịt cổ lợn trông rất ngon mắt nhưng có giá thành khá rẻ. Ở các chợ, thịt cổ lợn thường được trộn chung với các loại thịt khác để xay nhuyễn làm bánh bao, nem, thịt nhồi…. Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn các món từ thịt xay sẵn.
Ngoài ra, cách này giúp bà nội trợ có thể phân biệt phần thịt lợn bẩn, có độc tố:
Miếng thịt lợn không có dấu hiệu đàn hồi khi ấn vào
Khi đi mua thịt lợn, bạn nên lấy tay ấn vào miếng thịt, nếu sau khi ấn vào mà thấy phần da lợn có thể nhanh chóng phục hồi độ đàn hồi thì có nghĩa là thịt lợn còn rất tươi.
Ngược lại, nếu ấn vào thịt lợn mà bạn thấy các vân tay lõm xuống, khó phục hồi thì có nghĩa là thịt lợn đó không tươi, thịt lợn như vậy có thể chứa một lượng vi khuẩn nhất định.
Sờ vào miếng thịt thấy dính
Khi dùng tay sờ vào miếng thịt lợn, bạn cảm thấy nhờn nhưng không dính tay thì có thể tự tin mua. Bởi thịt lợn được để quá lâu sẽ bị biến chất và xuất hiện chất nhầy xung quanh miếng thịt. Điều đó cho thấy số lượng vi sinh vật sinh sôi trên thịt tương đối lớn, sau khi ăn có thể đe dọa đến đường tiêu hóa.
Thịt lợn có mùi hôi
Thịt lợn nếu có mùi tanh nồng, mùi ôi rõ rệt... thì tốt nhất không mua về ăn. Bởi mùi khó chịu cho thấy chúng đã bị biến chất, có thể thịt đã để lâu, gây hỏng, ăn không ngon thậm chí còn có thể gây ngộ độc.
Ngoài thịt cổ lợn, đây là các bộ phận của con lợn không nên thường xuyên chế biến cho gia đình vì nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Nội tạng lợn: Đây lại là bộ phận ẩn chứa nhiều mầm bệnh nhất của con lợn nhưng lại khiến nhiều người thích mê. Bạn không nên ăn nhiều lòng lợn vì có thể gây bệnh gout, gan nhiễm mỡ, viêm tụy... Đặc biệt, lòng lợn còn dễ chứa vi khẩn coli gây bệnh tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn... Chính vì thế, bạn không nên ăn nhiều
Gan lợn: Trong gan lợn có chứa hàm lượng cholesterol cao và lượng kim loại nặng, nếu ăn nhiều gan lợn sẽ khiến cho cơ thể nạp thêm lượng chất độc hại vào cơ thể và người mắc bệnh tim mạch sẽ khó đào thải được lượng chất này, khiến cơ thể lâm vào tình trạng bệnh nặng hơn.
Óc lợn: Mặc dù óc lợn được xem là món ăn bổ dưỡng, vì chứa canxi, phốt pho, sắt và một số thành phần khác. Nhưng ngược lại, thành phần cholesterol lại rất cao.
Thông thường một cái não lợn nặng 100g chứa khoảng 3000mg cholesterol. Chỉ cần ăn một cái óc lợn cũng phải "nhịn" tất cả những chất chứa cholesterol khác ít nhất 10 ngày. Vì vậy, hãy cân nhắc khi ăn óc lợn và nên ăn bao nhiêu là đủ.
Phổi lợn: Là cơ quan hô hấp, phổi lợn có rất nhiều phế nang, đây được xem là nơi dễ dàng nhất để tích tụ và lắng đọng nhiều bụi trong màng phổi.
Bên cạnh đó, lợn có thói quen đặc biệt là rất hay hít thở sát đất nên đã hút vào phổi một lượng rất lớn bụi bẩn hàng ngày.
Khi hít thở, một lượng bụi cùng với các kim loại nặng sẽ bị hít sâu vào trong phổi và nằm yên ở đó. Khi con người ăn vào, sẽ vô tình mang theo bụi, kim loại nặng vào theo, thậm chí có cả virus gây bệnh, gây hại rất lớn cho cơ thể.
Theo kết quả kiểm nghiệm, trong phổi lợn chứa một lượng độc tố, bởi chất tạo nạc và những thành phần tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi, chiếm tỷ lệ 60% trong toàn bộ thịt lợn. Ăn phổi lợn nếu không xử lý, sơ chế đúng cách có thể bị ngộ độc.
Ngoài ra, có một số lượng lớn các virus và vi khuẩn lưu trú trong phổi. Lợn thường xuyên hít thở sát mặt đất, hít vào phổi rất nhiều ký sinh trùng, bệnh dịch và vi khuẩn virus cũng liên tiếp chui vào phổi.
Lợn có thói quen nằm nhiều hơn di chuyển, mọi khí bẩn và ô nhiễm trong chuồng lợn đều bị hít vào phổi và rất khó để đào thải, thanh lọc hết những chất độc này.