Ai cũng biết nấm rất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn được và ăn như thế nào cũng được. Vậy, những ai không nên ăn nấm? và khi ăn nấm cần lưu ý những gì? Mời bạn đọc tham khảo thông tin dưới đây.
Tác dụng của nấm với sức khỏe
Theo thống kê, trong thiên nhiên có gần 7 vạn loài nấm, nhưng chỉ hơn 100 loài có thể ăn hoặc dùng làm thuốc. Hiện nay nấm được xem là loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, được ví như món ăn thời thượng, thường xuất hiện trong các thực đơn nhà hàng, tiệc cưới như lẩu nấm, bánh xèo nấm, nấm xào, gỏi nấm...
Vừa là “rau sạch” vừa là “thịt sạch“: Trong nấm có các thành phần dinh dưỡng tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hóa, kích thích cơ thể sản sinh hoạt chất interferon (chất có khả năng ức chế sự sinh trưởng của các loại virus, ngăn chặn quá trình hình thành và phát triển tế bào ung thư trong cơ thể). Ăn nấm giúp lưu thông khí huyết, thải độc tố ra ngoài cơ thể, giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Đặc biệt, nấm vừa là “rau sạch”, vừa là “thịt sạch”.
Nấm hương tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ tiêu hóa. Đây là thức ăn lý tưởng cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng. Chất ergosterol trong nấm hương dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ chuyển hóa thành vitamin D2 giúp cơ thể đề phòng và chữa bệnh còi xương rất hiệu quả.
Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo trắng tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương, giảm cholesterol máu, phòng ngừa cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não... Nấm mèo đen còn có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản, chống lão hóa, ung thư và phóng xạ.
Nấm kim châm rất hữu ích cho người già, người bị huyết áp cao. Loại nấm này chứa chất có tác dụng chống ung thư rất hiệu quả. Nấm kim châm chứa nhiều lysine rất cần cho quá trình sinh trưởng, cải thiện chiều cao và trí tuệ trẻ em, hạ mỡ máu, phòng chống bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa và bệnh gan mật.
Nấm mỡ rất thích hợp cho những người chán ăn, mệt mỏi, sản phụ thiếu sữa, viêm phế quản mãn tính, viêm gan mãn tính, hội chứng suy giảm bạch cầu, giúp hạ đường huyết, hạ cholesterol huyết và cải thiện chức năng tuyến tụy.
Những ai không nên ăn nấm rơm?
Theo y học cổ truyền, nấm có vị ngọt, tính mát, nếu dùng nhiều và lâu dài có thể dẫn đến lạnh bụng, khó tiêu. Những người tì vị hư nhược, khi ăn hay đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng, phân nát thì không nên dùng.
Sự nguy hiểm khi ăn nhầm nấm độc
Thống kê cho thấy 95% ngộ độc nấm là do nhầm lẫn, không phân biệt được nấm lành, nấm độc và 5% do chủ quan của người ăn nhầm nấm bị biến chất, hư hỏng trong quá trình bảo quản. Đun, nấu, đông lạnh hoặc chế biến đều không làm giảm độc tính của nấm. Trẻ em, người già yếu, suy nhược thường dễ bị ngộ độc hơn những người trẻ khỏe mạnh.
Các độc chất trong nấm có nhiều loại, thường là gây kích ứng đường tiêu hóa, hủy hoại tế bào gan, thận, làm tê liệt thần kinh. Đặc biệt, với những người khi uống rượu kèm ăn nấm thì nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên vì sự tích tụ quá cao của lượng aldehyd trong máu, gây cảm giác nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực và khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Nếu sau khi ăn nấm mà bị nôn mửa, toàn thân mệt mỏi, đi tiêu nhiều lần trong ngày thì đó là triệu chứng ngộ độc, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhanh chóng và kịp thời. Để lâu mức độ ngộ độc nặng hơn có thể trụy tim mạch hoặc tử vong.
Thận trọng khi chọn nấm
Khi mua nấm nên chọn loại non và tươi. Nên mua ở những cơ sở có uy tín. Tốt nhất nên dùng nấm trong 12 giờ sau khi thu hái. Đối với đồng bào ở miền núi, trong rừng có rất nhiều loại nấm nên lưu ý, đa số nấm độc có nhiều màu sắc đẹp, sặc sỡ, hay mọc nơi ẩm ướt và môi trường ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Trong nấm độc chứa nhiều nước màu trắng đục giống sữa bò. Đun nấu trong vật dụng bằng bạc hoặc kim loại, nấm độc có thể biến vật dụng này thành màu đen.
Cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên ăn nấm khi không biết đó là nấm lành hay nấm độc để tránh những vụ ngộ độc chết người do nấm gây ra.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Những ai không nên ăn nấm?". Hãy ăn nấm đúng cách để tốt cho sức khỏe nhé.
Những thận trọng khi chọn nấm
Rửa nấm trực tiếp bằng nước
Thân nấm có dạng xốp, sợi nên khi rửa dễ khiến nước đọng lại trong khe kẽ, khiến món ăn không có được độ ngọt đặc trưng.
Thay vào đó, bạn nên dùng một chiếc khăn giấy ẩm, thấm sạch hoặc chải nhẹ theo đường rãnh. Nếu cảm thấy bất tiện, chị em có thể rửa nhanh nấm dưới vòi nước dạng hơi sương, thấm khô rồi mới chế biến.
Chế biến nấm ở nhiệt độ thấp, ninh lâu
Thân nấm chứa lượng nước đáng kể, việc duy trì ngọn lửa nhỏ khiến nấm khó có thể chín đều. Trường hợp này, các bà nội trợ nên sử dụng ngọn lửa lớn để nước nhanh chóng thoát ra ngoài, làm chín nấm mà vẫn giữ được màu đặc trưng đẹp mắt.
Cho quá ít dầu
Do chế biến ở ngọn lửa lớn nên nấm dễ bị cháy sém. Chính vì vậy, cần tính toán lượng dầu phù hợp ngay từ đầu để chảo nấu không bị quá khô.
Chế biến nấm trong chiếc nồi quá nhỏ
Giống như các loại nguyên liệu khác, sử dụng nồi quá nhỏ khiến nấm khó có thể tiếp xúc nhiệt lượng phù hợp. Tốt nhất, hãy lựa chọn một chiếc chảo đủ lớn để món ăn chín tới, màu sắc đẹp mắt.
Cắt nấm thành nhiều mảnh nhỏ
Bản thân nấm khá tươi xốp nên quá trình chế biến có thể bị tách ra từng mảnh. Chính vì vậy, bạn nên để nguyên chúng hoặc thái thành miếng vừa phải phòng trường hợp nấm bị quắt lại hoặc nát khi đảo với thức ăn.
Ngoài ra khi chế biến các loại nấm, nên nhẹ nhàng tránh làm nấm bị dập nát dễ nhiễm khuẩn
Vết cắt ở nấm sẽ chuyển màu đen khi tiếp xúc với không khí. Vì vậy, nếu sử dụng nấm tươi, tốt nhất nên cắt ngay trước khi dùng hoặc dùng nước cốt chanh bôi vào vết cắt.