Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, đây là trường hợp thứ 2 mắc bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận tại tỉnh này.
Bệnh nhân là ông T.V.D. (52 tuổi, trú tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 19/6, ông D. có triệu chứng sốt, mệt nên đi khám tại phòng khám tư, mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 21/6, người nhà đưa ông D. đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm trùng huyết nghi từ nhiễm trùng thần kinh trung ương.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện bệnh nhân bị biến chứng hôn mê, tổn thương thận cấp, suy hô hấp, động kinh, tăng huyết áp.
Sau khi ghi nhận thông tin trường hợp trên, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng điều tra, giám sát ca bệnh. Kết quả cho thấy trong vòng 3 tuần qua, bệnh nhân không đi đâu khỏi địa phương.
Môi trường xung quanh nhà ông D. có ao hồ, nước đọng, các hộ xung quanh có nuôi bò và dê. Điều tra vector truyền bệnh, đoàn kiểm tra ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là vector truyền bệnh viêm não Nhật Bản tại cộng đồng.
Để bệnh không lây lan, CDC đã nhanh chóng phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Ea Kar và Trạm Y tế xã Ea Kmút triển khai xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân. Đồng thời, cơ quan này đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Chúng được truyền sang người qua trung gian muỗi đốt (chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus). Muỗi hút máu động vật bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản (thường từ lợn), đốt người và truyền virus sang cho người.
Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, loét, suy kiệt...