Một bữa ăn đầy dinh dưỡng và khoa học thôi chưa đủ, nếu muốn sống thọ và nói không với bệnh tật bạn cần áp dụng thêm cách ăn này.
Người Việt thường ăn theo sở thích, cảm thấy món nào vừa miệng sẽ ăn trước, hầu như không ai chú ý đến thứ tự dinh dưỡng các món ăn. Tuy nhiên khi xét về góc độ khoa học thì việc làm này hoàn toàn sai và không mang đến lợi ích cho sức khỏe.
Thông thường trong một bữa cơm hàng ngày của người Việt sẽ có (cơm, mì, bún, phở), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật), protein (các loại thịt, cá, trứng), vitamin và khoáng chất (các loại rau củ quả và trái cây tươi).
Nhiều người cho rằng, muốn ăn ngon thì phải ăn thịt, cá những món giàu đạm trước. Một số trường hợp tranh luận, muốn không tăng cân, tốt cho sức khỏe cần ăn rau trước khi ăn cơm và ăn các thực phẩm giàu đạm.
Chia sẻ trên Phụ Nữ Pháp Luật: TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, thứ tự thực phẩm ăn trong bữa cơm sẽ tùy thuộc vào cá thể, sở thích và bệnh lý. Ví dụ như người bị đái tháo đường thường được khuyên ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn giàu đạm. Còn với người lao động, do trước đó tiêu hao nhiều calo, nên họ sẽ lựa chọn ăn cơm hoặc thức ăn chứa nhiều calo trước để giải quyết khâu đói bụng.
nếu xét về bình diện chung, bác sĩ Hưng cho rằng, hiện nay không còn tình trạng đói ăn như trước, hơn nữa gánh nặng các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Vì thế, khi ăn mọi người nên ăn rau, canh trước khi ăn cơm và các thức ăn giàu đạm là tốt nhất. Tuy nhiên, cách làm được khuyến khích này được ít người áp dụng, bởi họ cho rằng ăn như thế sẽ không được thưởng thức trọn vẹn các món ngon miệng mà mình yêu thích.
Bác sĩ Hưng cũng khuyên rằng: “Việc ăn rau trước sẽ rất phù hợp với người đang muốn giảm cân, hơn nữa nó sẽ giúp chúng ta không bị quên ăn rau trong bữa cơm. Thực tế, rất nhiều người chia sẻ rằng, khi ăn cơm hoặc thịt cá no bụng, họ không muốn ăn rau. Điều này khiến cơ thể thiếu chất xơ, làm mất cân bằng dinh dưỡng khi không bổ sung đủ vitamin và khoáng chất có từ rau”.
Cũng chia sẻ trên Phụ Nữ Pháp Luật: PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ, với một người bình thường, thứ tự các loại thực phẩm trong bữa ăn không ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng. Bởi khi thức ăn vào dạ dày sẽ không đi thẳng xuống ruột, mà nó sẽ được nhào lộn đều với dịch vị trong dạ dày.
Bác sĩ Niên cũng chia sẻ thêm: “Việc ăn uống quan trọng nhất là làm sao để cảm thấy thoải mái, lượng thức ăn nạp vào phải đủ trong ngày. Đặc biệt cần lưu ý ăn đa dạng thực phẩm. Hạn chế ăn quá nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn…”,
Theo bác sĩ Niên, việc ăn theo thứ tự thực phẩm nên áp dụng cho từng trường hợp, nhất là người có bệnh lý kèm theo. “Người giảm cân nếu ăn rau nhiều ở đầu bữa, sau đó sẽ giảm được các loại thức ăn giàu năng lượng khác, giúp giảm được cân.
Người đái tháo đường nên ăn các món như cơm, mì sau cùng. Cách ăn này có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngược lại, với trẻ nhỏ nếu ăn rau trước bữa ăn, sau đó không ăn được đồ ăn giàu đạm, chất béo từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Do vậy, việc ăn thực phẩm nào trước hay sau sẽ phụ thuộc nhiều vào bệnh lý, lứa tuổi”, bác sĩ Niên chia sẻ.
Một số lưu ý khi ăn từ chuyên khoa
- Không ăn quá no tránh hấp thụ quá nhiều năng lượng từ thực phẩm, tăng áp lực cho dạ dày.
- Không nên ăn quá nhanh sẽ dung nạp nhiều năng lượng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Một bữa ăn chính nên kéo dài 15-20 phút.
- Sau ăn không nên vận động mạnh. Nên ở trạng thái tương đối nghỉ ngơi (ngồi thẳng lưng) để thức ăn tiêu hóa dễ dàng.
- Nên ăn đa dạng, cân bằng các nhóm thực phẩm.
- Lưu ý, việc ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, giàu calo khiến dễ tăng cân. Ăn quá mặn không có lợi cho sức khỏe tim mạch và nhiều cơ quan trong cơ thể.
Nếu muốn bảo vệ sức khỏe, nói không với những căn bệnh nguy hiểm bạn cần thay đổi thói quen ăn uống ngay từ hôm nay nhé!