Mặc dù đôi khi chúng ta muốn có ý tốt, nhưng lời nói của chúng ta lại vô tình gây hại đến cho người bị trầm cảm nhiều hơn mà ta không nhận ra.
Dưới đây là một số câu nói phổ biến mà mọi người thường hay dùng để nói với người đang bị trầm cảm nhằm an ủi họ, nhưng chúng thực ra lại rất có hại.
"Cậu nên ra ngoài nhiều hơn!"
Mặc dù đúng là hấp thu ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng hàm lượng serotonin trong cơ thể, đồng thời đi bộ hoặc tập thể dục nói chung có thể giúp người ta cảm thấy phấn chấn hơn, nhưng điều quan trọng mọi người cần lưu ý đó là, trầm cảm là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một người trầm cảm không phải chỉ cần đi ra ngoài là có thể thoát ra khỏi nó được. Đối với họ, ngay cả việc đơn giản là mỗi ngày bước ra khỏi giường thôi cũng đã là một thử thách rồi.
"Vui lên đi!"
Mặc dù bạn có ý tốt, nhưng bảo một người trầm cảm “vui lên đi” có thể sẽ khiến cho họ cảm thấy còn buồn hơn nữa. Bởi vì cứ đơn giản đề nghị họ rũ bỏ hết cảm xúc hiện tại đi, chẳng khác gì bạn đang chối bỏ nỗi đau của họ. Nếu họ thực sự có thể vui lên, họ sẽ tự nhiên trở nên như thế. Không có ai mong muốn mình buồn cả.
"Tất cả chỉ là ở trong đầu cậu thôi."
Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và nó không hề chỉ ở trong đầu của một ai đó. Các triệu chứng của nó bao gồm từ thay đổi thói quen ăn uống, mất ngủ đến cảm thấy mệt mỏi và thấy bản thân vô dụng. Nói câu này với một người đang trầm cảm chẳng khác gì bạn đang ngụ ý rằng bạn không tin tình trạng của họ là có thật.
“Cậu đang phản ứng thái quá rồi đó.”
Nếu một người bị trầm cảm nói với bạn rằng họ bị đau lưng dữ dội, đau đầu thường xuyên hay thị lực họ kém đi, thì họ thực sự không hề dựng chuyện hoặc là phản ứng thái quá. Tất cả những vấn đề trên đều là những triệu chứng về mặt thể chất của chứng trầm cảm, chúng là nguyên nhân khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên khó khăn.
"Có nhiều người còn khó khăn hơn cậu."
Những người khác nhau thì có mức độ chịu đựng nỗi đau khác nhau. So sánh nỗi đau của bạn với người khác là điều tuyệt đối nên tránh bằng mọi giá. Chỉ vì ai đó trông có vẻ như đang gặp nhiều “khó khăn hơn”, điều đó không có nghĩa là những người khác không có quyền cảm thấy buồn về vấn đề riêng của chính họ.
"Cậu nhìn không có vẻ giống trầm cảm."
Một người trầm cảm không nhất thiết phải trông có vẻ buồn bã, chán nản – hội chứng trầm cảm cười là có thật. Những người này mặc dù cảm thấy vô cùng buồn bã bên trong, nhưng họ cũng không bao giờ thể hiện ra ở nơi công cộng và luôn đeo một nụ cười giống như mặt nạ vậy. Trên thực tế, bạn đồng nghiệp và những người làm chung của họ sẽ không bao giờ tin nếu bạn bảo rằng người đó đang bị trầm cảm.
Thay vì cứ áp ý kiến của bạn lên người khác hoặc phán xét họ, chúng tôi khuyên bạn nên cố gắng để hiểu họ, cho họ không gian riêng và đối xử tử tế với họ. Bởi vì bạn không bao giờ biết được ai đó đang phải trải qua những gì.