Thanh long có nguồn gốc từ loài xương rồng Hylocereus ở Trung và Nam Mỹ. Loại trái cây này là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào, bao gồm vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Người có vấn đề về tiêu hóa hay hệ thống miễn dịch yếu đều nên ăn thanh long, kể cả bệnh nhân tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố tại Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ nhận thấy xu hướng giảm đường huyết đáng kể ở một nhóm người sau khi ăn thanh long.
Giá trị dinh dưỡng trong 100 gam thanh long (loại màu tím) bao gồm:
Lượng calo – 60 kcal
Carbohydrate – 9 gram
Chất xơ – 1,5 gam
Đường – 8 gam
Chất đạm – 1 gam
Chất béo – 0,4 gram
Vitamin C – 9 mg
Canxi – 9 mg
Sắt – 0,9 mg
Hàm lượng dinh dưỡng có thể thay đổi tùy theo loại thanh long và độ chín của nó.
Lợi ích của quả thanh long
Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của thanh long đối với sức khỏe:
Cải thiện sức khỏe tổng thể
Thanh long chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ cao trong thanh long hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất xơ thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ môi trường đường ruột khỏe mạnh.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Thanh long chứa chất xơ và chất béo có lợi giúp giảm mức cholesterol xấu. Trái cây này cũng chứa các hợp chất tự nhiên có thể tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Vitamin C trong thanh long đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Bạn cần một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị ốm khi chuyển mùa.
Cân bằng nước và điện giải
Thanh long có hàm lượng nước cao, giúp bạn giữ nước cho cơ thể. Ngoài ra, nó còn cung cấp các chất điện giải cần thiết như kali, rất quan trọng để duy trì sự cân bằng chất lỏng và chức năng cơ bắp.
Quản lý cân nặng
Những người theo dõi lượng calo nạp vào có thể bổ sung thanh long vào chế độ ăn uống vì nó có lượng calo tương đối thấp. Nó có thể là một món ăn nhẹ ngon miệng và bổ dưỡng mà không làm bạn lo lắng về việc tăng cân.
Cải thiện sức khỏe làn da
Thanh long chứa vitamin và chất chống oxy hóa góp phần giúp làn da khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, vitamin C trong thanh long hỗ trợ sản xuất collagen, chất cần thiết cho độ đàn hồi của da và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn.
Lưu ý khi ăn thanh long
Như với bất kỳ loại thực phẩm nào, giữ điều độ là điều quan trọng. Đừng ăn quá nhiều thanh long vì nó có thể dẫn đến khó chịu về tiêu hóa do hàm lượng chất xơ cao.
Thời điểm phù hợp để ăn thanh long là khi bạn cảm thấy đói và cần một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng. Tuy nhiên, bổ sung thanh long vào bữa sáng của bạn là lý tưởng nhất, hoặc dùng nó như bữa ăn nhẹ sau vài giờ ăn trưa. Bạn cũng có thể ăn thanh long sau khi bị mất nước nhiều vì tập thể dục.
Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều thanh long
Tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến một số vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như đầy hơi, tiêu chảy và táo bón.
Điều này là do chất xơ hấp thụ nước và phồng lên trong dạ dày, khiến bạn cảm thấy no và giảm cảm giác đói.
Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu, gây ra một số vấn đề sức khỏe.
Chất xơ dư thừa trong thanh long có thể lên men trong ruột, dẫn đến sản sinh ra khí. Tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến phân lỏng và tiêu chảy. Trong một số trường hợp, quá nhiều chất xơ gây ra táo bón.