Nội dung bài viết
Từ lâu, táo tàu được xem là một vị thuốc khá quen thuộc trong các bài thuốc Bắc. Táo tàu tươi hay khô đều có vị ngon ngọt hấp dẫn nên được nhiều người yêu thích. Thế nhưng không phải ai cũng biết được tác dụng của táo tàu với sức khỏe và chữa bệnh như thế nào. Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau đây.
1. Tìm hiểu quả táo tàu
Táo tàu còn có tên gọi là đại táo hoặc hồng táo. Tên khoa học của táo tàu là Ziziphus jujuba. Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, cây táo tàu có nguồn gốc ở Bắc Phi và Syria, rồi dịch chuyển về phía đông, qua Ấn Độ tới Trung Quốc.
Cây táo tàu thuộc thân gỗ, cao từ 5-12m, lá xanh bóng, đôi khi có gai. Hoa của cây táo tàu có kích thước nhỏ li ti, màu trắng hay ánh lục. Quả hình trứng, kích thước gần với quả oliu, thuộc loại quả hạch. Táo tàu ra hoa vào tháng 4 - 6, tháng 7 - 8, kết quả và thu hoạch vào mùa Thu Đông.
Quả táo tàu khi còn con có màu xanh lục, vỏ trơn bóng, mùi tương tự với quả táo tây. Khi già, vỏ chuyển sang màu sẫm rồi từ từ chuyển sang đỏ hay đen ánh tía. Quả táo tàu chín có vỏ nhăn nheo, giống với quả chà là nhỏ.
Táo tàu là loại cây có thể chịu được nhiệt độ lạnh, có thể xuống tới -15 °C. Và loại cây này cần có mùa hè nóng bức để ra quả.
2. Táo tàu ăn có tốt không?
Từ lâu, táo tàu đã trở thành vị thuốc thông dụng trong y học cổ truyền. Ngoài ra đây cũng là thực phẩm để chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc của nhiều gia đình như làm bánh, mứt, đồ tráng miệng...
Trong táo tàu có chứa nhiều chất dinh dưỡng nên tác dụng của táo tàu với sức khỏe là nhiều vô kể. Vì vậy ăn táo tàu không những tốt cho sức khỏe mà còn có tác dụng làm đẹp. Dưới đây là một số tác dụng của táo tàu có thể bạn chưa biết:
Bảo vệ sức khỏe tim mạch, ổn định huyết áp
Nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng của táo tàu rất tốt đối với sức khỏe tim mạch. Các chất xơ và vitamin trong loại quả này giúp giảm cholesterol, tránh hình thành mảng bám xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, hàm lượng kali trong táo tàu kết hợp với natri dư thừa trong cơ thể để đào thải độc tố ra ngoài. Ăn táo tàu thường xuyên giúp ổn định huyết áp.
Ngăn ngừa bệnh ung thư
Chất phenol trong đại táo có tác dụng ức chế sự phát triển của các khối u, loại bỏ tế bào xấu. Hơn nữa, vitamin và các chất chống oxy hóa giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư.
Chữa bệnh mất ngủ, an thần
Theo đông y, táo tàu đen có vị ngọt, tính ôn, tác dụng ích khí, dưỡng vị và sinh tân dịch, điều hòa cơ thể. Người ta thường cho quả táo tàu vào các bài thuốc để giúp cơ thể mau hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Tăng cường hệ miễn dịch
Với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, đại táo giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Ăn táo tàu bổ máu
Táo tàu có tác dụng bổ máu nhờ nguồn chất sắt và phosphorous dồi dào. Sử dụng táo tàu thường xuyên sẽ giúp bạn điều hòa sự lưu thông máu, ăn ngon ngủ ngon hơn.
Giảm chứng táo bón
Hàm lượng chất xơ khá cao trong quả táo tàu giúp điều hòa cử động ruột và sự tiêu hóa. Hơn nữa, táo tàu chứa nhiều protein, axit amin, carotene giúp cơ thể hấp thu nhiều dưỡng chất hơn.
Ăn táo tàu đẹp da
Hàm lượng vitamin C cùng các chất chống oxy hóa dồi dào trong quả táo tàu giúp cân bằng các sắc tố cho da và ngăn ngừa bệnh ung thư da. Ăn táo tàu thường xuyên giúp da khỏe đẹp, mịn màng và cơ thể chống lại các gốc tự do, củng cố hệ miễn dịch.
Kích thích mọc tóc
Không chỉ làm đẹp da, tác dụng của táo tàu còn tốt cho tóc. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một loại dầu được chiết xuất từ hạt giống táo tàu có thể thúc đẩy sự phát triển của tóc, kích thích tóc mọc trở lại và dày hơn trước.
Trong trường hợp bị hói tóc, bạn có thể dùng dầu hạt táo tàu pha chế với các loại dầu tăng trưởng khác như vitamin E, dầu hương thảo hay dầu bạc hà để kích thích tóc mọc trở lại.
3. Ăn táo tàu khô có béo không?
Rất nhiều người khi sử dụng táo tàu thường có tâm lý băn khoăn liệu ăn táo tàu có béo không? Thực tế thì ăn táo tàu không béo mà còn có tác dụng giảm cân hiệu quả nếu bạn ăn đúng cách.
Táo tàu được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó có món mứt táo tàu khá phổ biến vào các dịp lễ Tết. Mặc dù rất ngon và bổ dưỡng, nhưng bạn nên hạn chế ăn mứt táo tàu vì chứa nhiều đường dễ gây tăng cân. Hàm lượng đường chứa trong mứt táo có thể làm tăng lượng đường trong máu, tích mỡ dưới da dẫn đến tăng cân. Vì vậy, bạn nên ăn táo tàu khô hay táo tàu tươi để sở hữu vóc dáng thon gọn, cân đối.
4. Ăn táo tàu có bị nóng không?
Không thể phủ nhận tác dụng của táo tàu đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên món gì bổ dưỡng quá đều không tốt và dễ sinh bệnh. Nếu bạn ăn táo tàu với số lượng nhiều, thay thế trái cây khác là điều không nên. Vì ăn nhiều táo tàu có thể gây nóng trong người, bụng khó tiêu, trướng bụng, ngũ tạng bất hòa... nhất là với trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Bên cạnh đó những trường hợp cần tránh ăn táo tàu để đảm bảo sức khỏe: người bị đầy bụng; bị mụn nhọt, lở ngứa ngoài da; người bị đau răng, sâu răng; người bị táo bón; người bị hoàng đản (nước tiểu vàng, đỏ, chỉ muốn nằm)...
Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm venlafaxine, hoặc các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SSNRI) cũng không nên ăn táo tàu vì nó sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Hay bệnh nhân đang dùng thuốc chống động kinh (phenytoin, phenobarbitone và carbamazepine) cũng không dùng ăn táo tàu.
5. Một số bài thuốc bổ dưỡng phát huy công dụng của táo tàu đỏ
Cháo ngô, bạch biển đâu, táo tàu: Ngô 50g, bạch biển đậu 25g, đại táo 50 quả. Rửa sạch các nguyên liệu, nấu cháo bình thường. Dùng 1 lần trong ngày để hỗ trợ điều trị sưng, thích hợp với người bị phù.
Canh cam thảo, bạch thược, quế chi: Cam thảo 3g, bạch thược 12g, quế chi 6g, sinh khương 10g, đại táo 4 quả, kẹo mạch nha 30g. Nấu các vị thuốc lấy nước, rồi cho kẹo mạch nha vào đun sôi nhỏ lửa. Uống ngày 2 - 3 lần lúc còn ấm. Món canh này rất tốt với người bị đau bụng do tính hư hàn.
Tim lợn hầm đại táo: 500g tim lợn, đại táo 10 quả. Bổ tim lợn rà nhồi đại táo vào trong, hay cắt tim lợn nhỏ ra rồi bỏ đại táo vào tô hấp chung. Hấp cho tới khi tim chín là có thể dùng. Dùng món ăn này vào mỗi ngày vào buổi trưa có thể trị bệnh tim đập nhanh.
Cháo gạo nếp, tiểu đậu, sơn dược: Gạo nếp 50g, xích tiểu đậu 30g, sơn dược sống 30g, đại táo 20 quả, hạt sen 15g, bạch biển đậu 15g. Nấu nhừ xích tiểu đậu, bạch biển đậu đến khi nhừ rồi cho đại táo, liên tử, gạo nếp vào nấu cùng. Sau đó cho sơn dược đã bỏ vỏ, thái thành miếng nhỏ rồi cho vào trong nồi cháo, nấu đến khi chín. Dùng ngày 2 lần sáng và tối sẽ giúp bổ khí huyết, phù hợp với người bị thiếu máu.