Từ xa xưa, cát cánh đã được sử dụng để điều trị hạ huyết áp, giảm lipid, xơ vữa động mạch, viêm, giảm ho và đờm, thúc đẩy bài tiết axit cholic và như một chất chống oxy hóa.
1. Tìm hiểu về cây cát cánh
Cát cánh là một loại dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khoẻ, có tên khoa học là Platycodon grandiflorum, họ hoa chuông Campanulaceae. Ngoài tên gọi cát cánh, loại dược liệu này còn có nhiều tên gọi khác như bạch dược, cánh thảo, mộc tiện, đô ất la sất, cát tưởng xử, phòng đồ, phù hổ,...
Để nhận biết cây cát cánh, mọi người có thể dựa vào một số đặc điểm sau: Cây có chiều cao khoảng 50 - 90 cm. Lá mọc đối hay vòng 3, các lá gần cụm hoa thường mọc so le và có mép khía răng. Hoa mọc thành từng bông thưa ở đầu cành hoặc mọc riêng lẻ, có màu trắng hay lam tím. Quả có nhiều hạt nhỏ, màu nâu đen. Rễ phình to thành củ.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cát cánh là rễ. Rễ của loại thảo dược này có thể được sấy khô và nghiền thành bột để làm thực phẩm bổ sung hoặc có thể được sử dụng trong món salad và các món ăn khác nhau.
Trong rễ của cát cánh có chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như axit betulic, saponin, phytosterol, inulin và glucose.
2. Tác dụng của cát cánh đối với sức khoẻ
Cát cánh đã được sử dụng để điều trị bệnh từ xa xưa. Theo Đông Y, cát cánh tính hơi ôn, vị ngọt, cay, đắng, lợi về kinh tỳ. Tác dụng của cát cánh bao gồm: làm long đờm, lợi họng, tiêu mủ. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, buồn bực khó chịu trong ngực, hầu họng sưng đau, khàn tiếng, phổi sưng thổ đờm, các vết lở loét mưng mủ,...
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy được những lợi ích tiềm năng của loại thảo dược lâu năm này đối với sức khoẻ. Dưới đây là 8 tác dụng của cát cánh đối với sức khỏe theo Y học hiện đại:
2.1. Tốt cho hệ hô hấp
Tác dụng nổi bật nhất của cát cánh là hỗ trợ điều trị các triệu chứng liên quan đến bệnh hô hấp. Rễ của loại thảo dược này có đặc tính long đờm, giúp giảm tắc nghẽn bằng cách làm long, tiêu đờm và chất nhầy, giúp giảm cảm lạnh nhanh hơn, đồng thời loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh khác có thể phát triển trong quá trình tích tụ chất nhầy.
Hơn nữa, khả năng chống viêm của cát cánh có thể làm dịu cơn đau họng và ngăn ngừa các bệnh như viêm phế quản.
2.2. Hỗ trợ điều trị một số vấn đề về dạ dày
Tác dụng của cát cánh không thể không kể đến đó là hỗ trợ làm giảm đau dạ dày, loét dạ dày, kiết lỵ hoặc bất kỳ vấn đề nào về đường tiêu hóa. Tác dụng này chủ yếu đến từ saponin có trong rễ cát cánh. Hơn nữa, khía cạnh chống viêm có thể có của loại thảo dược này có thể giúp điều chỉnh tiêu hóa và giảm bớt các triệu chứng của bệnh trĩ.
2.3. Có tiềm năng chống ung thư
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học Phân tử Quốc tế từ các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho thấy các hợp chất chống oxy hóa được tìm thấy trong rễ của cát cánh hiệu quả trong việc trung hòa các gốc tự do. Gốc tự do có thể gây đột biến tế bào và gây ra nhiều bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư.
2.4. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Cây cát cánh có chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể kích thích hệ thống miễn dịch thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
2.5. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Cát cánh được cho là có tác dụng làm giảm mức cholesterol "xấu" và tăng mức cholesterol "tốt", dẫn đến giảm nguy cơ phát triển chứng xơ vữa động mạch, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
2.6. Có thể giúp bạn loại bỏ ký sinh trùng gan
Sán lá gan là loại ký sinh trùng nhỏ có thể ảnh hưởng đến nhiều loài khác nhau, kể cả con người. Trước đây, cát cánh đã cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiều loại ký sinh trùng khác nhau, bao gồm cả những loại ký sinh trùng trong gan, làm tăng hiệu quả của cơ quan và thúc đẩy quá trình trao đổi chất tổng thể của bạn.
2.7. Giúp giảm đau
Do đặc tính giảm đau nói chung, rễ cát cánh thường được sử dụng để giảm đau và viêm nói chung, chẳng hạn như sau chấn thương hoặc phẫu thuật, cũng như sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh gút, viêm khớp và các tình trạng viêm khác. Các thành phần của rễ cát cánh hoạt động tác động nhanh chóng lên các bộ phận khác nhau của cơ thể, giúp giảm đau cả bên trong và bên ngoài.
2.8. Tiềm năng chống dị ứng
Một số báo cáo cho rằng sử dụng rễ cát cánh có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng bằng cách ức chế một số histamine được cơ thể giải phóng khi gặp phải một số chất gây dị ứng.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh hô hấp từ cây cát cánh
Cát cánh là một vị thuốc tốt đối với sức khỏe nên từ xa xưa đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, các bài thuốc mang tính dân gian và chưa được khoa học kiểm chứng. Do đó, mọi người không tự ý sử dụng cát cánh để chữa bệnh mà cần sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ cổ truyền hoặc thầy thuốc.
- Bài thuốc chữa ho nhiều đờm: Sử dụng 9g cát cánh, sắc uống, chia 2 phần và uống trong ngày. Dùng trong trường hợp ho nhiều đờm, buồn bực khó chịu trong ngực, đau họng, khản tiếng,...
- Bài thuốc chữa sưng phổi: Sử dụng 50g cát cánh và 100g cam thảo. Sắc 2 nước riêng sau đó trộn lẫn, uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Dùng cho người phổi sưng nôn ra mủ, vết thương mưng mủ nhưng chưa loét.
- Bài thuốc chữa viêm phổi, viêm phế quản mạn tính: Sử dụng 30g diếp cá, 15g cát cánh. Sắc 2 nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang chia 2 lần.
- Bài thuốc chữa viêm amidan cấp tính: Sử dụng 10g cát cánh, 30g sinh địa, 5g cam thảo, 12g mạch môn đông. Sắc 2 nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang, chia 2 phần, uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa viêm họng cấp tính: Sử dụng 20g rễ sơn đậu, 10g cát cánh, 6g hoa kim ngân, 8g mạch môn đông. Sắc 2 nước. Uống ngày 1 thang, chia 2 phần, uống trong ngày.
4. Một số lưu ý khi sử dụng cát cánh
Mặc dù là thảo dược có lợi cho sức khỏe nhưng mọi người không nên tùy tiện sử dụng cát cánh vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Không nên sử dụng quá nhiều thảo dược này, ngày uống 3 - 9g, dưới dạng thuốc sắc. Cấm tiêm thuốc vào mạch.
Một số người như âm hư ho lâu ngày đi kèm với ho ra máu, âm hư hỏa nghịch, phế không có phong hàn bế tắc thì không nên dùng cát cánh.
Cát cánh kỵ với thịt heo nên không sử dụng chung 2 loại này với nhau.
Trên đây là 8 tác dụng của cát cánh đối với sức khoẻ. Trước khi sử dụng loại thảo dược này hoặc có thêm bất kỳ câu hỏi nào liên quan, mọi người nên tham khảo ý kiến và liên hệ với bác sĩ, thầy thuốc.