Lấy nghệ sĩ, hào quang lấp lánh, được công chúng tán dương, vợ chồng đi đâu cũng có người đưa kẻ đón, đãi đằng trọng thị. Nhưng phía sau là cả một sự chịu đựng ít ai biết. Khi yêu, lời yêu của nghệ sĩ nghe mát ruột lắm; nhưng khi vợ chồng rồi mới thấy nghệ sĩ chỉ yêu bản thân.
Mọi việc trong nhà đều xoay quanh cuộc sống của “nghệ”. Dường như chỉ có sự nghiệp của “nghệ” mới mang lại giá trị cho cuộc sống. Người đời thường nói, lấy nghệ sĩ thì phải hy sinh. Điều đó cũng đúng, vì cả hai cùng “nghệ” thì lấy ai lo cho gia đình. Đáp số đây rồi: nếu vợ là nghệ sĩ, người đàn ông phải là trụ cột kinh tế, kiêm lái xe, bảo vệ. Còn lấy chồng nghệ sĩ thì vợ phải như “bảo mẫu”.
Vợ lo cho chàng từ miếng ăn, giấc ngủ, quần áo khi ra đường. Vợ chịu đựng tất cả tật của ông “nghệ” trong nhà như: bốc phét, đàn đúm, bia bọt, vui đâu chầu đấy… Việc nhà, “nghệ” coi như muỗi, vợ chớ cằn nhằn, so đo mất vui. Anh có sống bẩn, bừa bãi thì vợ cũng ráng dọn; còn không thì cứ chịu thế mà sống, đừng hòng bắt anh sống ngăn nắp được, vì đó mới là anh.
Nghệ sĩ thường nghèo (trừ các sao đình đám trong làng showbiz). Bản chất nghệ sĩ đam mê nghệ thuật. Khi thăng hoa, mấy ai tính toán chuyện tiền bạc. Chưa kể, rất nhiều môn nghệ thuật không dễ kiếm tiền. Bản thân nghệ sĩ cũng tránh chữ “kiếm tiền” khi làm nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ làm kiếm tiền, dễ bị coi là phi nghệ thuật. Không bàn chuyện tốt - xấu, sai - đúng, cái kết thường là vợ con phải chịu.
“Nghệ” ít quan tâm đến gia đình, cuộc đời luôn có một sự đánh đổi: danh vọng càng cao, ra ngoài nhiều người ngưỡng mộ thì bão gió lùa vào nhà càng nhiều. Ở đây không nói về những nghệ sĩ có thói trăng hoa, nhưng đã là nghệ sĩ, muốn hay không cũng rất đào hoa. Mình có chung tình thì thiên hạ vẫn bất chấp xô vào, mà trái tim “nghệ” không băng giá. Thế giới bên ngoài họ đâu có sống chung với phần đời thật của nghệ sĩ, chỉ có người nhà mới thấu hiểu mặt trái của hào quang.
Vui buồn của nghệ sĩ cũng thất thường. Sống trong gia đình mà “nghệ” vẫn thấy cô đơn. Người bạn đời có tài giỏi, khéo léo đến mấy cũng không lấp được khoảng trống này. Nghệ sĩ chăm lo cho nghệ thuật, là chăm cho danh. Khi danh vọng đi qua, chỉ còn lại hư ảo, nhìn lại mình, “nghệ” chẳng giống ai, chẳng giàu bằng ai, dễ sinh ra bất chí.
Mà lúc này, sức đã cạn, tài đã kiệt, bệnh tật vì cả tuổi trẻ không quan tâm, chỉ người trong nhà mới thấm. Sự thăng bằng của chính “nghệ” đã mất rồi. Làm người nâng khăn sửa túi cho nghệ sĩ, phải có tình yêu ghê gớm lắm mới giữ được lửa ấm trong lòng. Vì sao rất nhiều nghệ sĩ, cuối đời thường sống trong cảnh cùng quẫn, cô độc? Có phải vì cái tôi của họ khi trẻ quá mạnh, lại bất cần? Họ dễ mở lòng đón nhận và cũng dễ bỏ đi. Trách nhiệm với gia đình quá nhẹ.
Nghệ sĩ có hạnh phúc không? Có chứ. Họ hạnh phúc vì được yêu và trái tim dễ rung động. Những tình yêu đích thực thường mang cho “nghệ” sức mạnh và hứng khởi khi sáng tạo. Sự sáng tạo liên tục lại đốt lên ngọn lửa đam mê mới.
Đừng trách nghệ sĩ hay thay lòng đổi dạ, nói vậy chưa hẳn đúng, vì nghệ sĩ rất chán những gì đã cũ, đã mòn, ngay trong chính tình cảm của mình thì làm sao người bạn trăm năm không tủi thân, tự ái. Bạn đời sống bên cạnh cứ lặng im, chịu đựng hay nổi loạn. Lỗi đôi khi chẳng thuộc về ai, nhưng chỉ chia tay mới yên được.
Hạnh phúc chông chênh đôi khi vì những thói quen sinh hoạt: ngủ ngày, cày đêm, cuộc sống thường xuyên không ổn định, trái với trật tự của một gia đình nền nếp. Gần như tất cả nặng nhọc con cái, nhà cửa ban ngày đều dồn lệch về một người. Nhưng khi cao hứng khoe khoang thì “tài ba” người bạn thầm lặng kia, “nghệ” không khoe.
Đôi lúc “nghệ” lại lôi những chuyện bi hài trong gia đình kể bằng giọng hài hước cho bạn bè nâng chén. Ấm ức ngấm ngầm của bạn đời cứ từ đấy mà dâng lên, một ngày nào đó loang ra thành khí tiêu cực trong nhà. Sự vô tâm của “nghệ“ là vậy. Phía sau hào quang, bao nhiêu tự ái, nước mắt của bạn đời mà “nghệ” nào hiểu thấu. Đến khi mọi sự vỡ vụn, “nghệ” lại thấy sao bạn đời của mình cố chấp, “nghệ” chịu không nổi.
Sống cùng một nhà với nghệ sĩ, chuyện rượu bia, bạn bè thâu đêm là thường. Con cái nhìn rõ thảm họa của gia đình hoặc tẩy chay không tiếp bước, hoặc đam mê theo nòi. Bạn đời phải là đại bàng rộng cánh mới kham nổi. Trên thực tế, không ít nghệ sĩ mất con, vì chính sự ảnh hưởng “nghệ” nửa vời mà con thành hư hỏng.
Cuộc đời nghệ sĩ nhiều bi kịch đến nỗi có người nói “không có bi kịch, làm nghệ thuật sao hay”. Có phải vì thế mà lấy nghệ sĩ, rất khó giữ yên cuộc sống?