Người ta nói rằng “đàn bà lấy chồng cũng như đánh bạc”, câu này lúc nào cũng đúng. Khi mới bước vào ngưỡng cửa của hôn nhân ai mà không tự tin: “Tôi thật may mắn, tôi thật hạnh phúc khi lấy được anh ấy làm chồng…”. Thế nhưng, đâu ai ngờ được rằng đàn bà từng kiêu hãnh sẽ có lúc lại là kẻ thất bại nặng nề trong canh bạc hôn nhân.
Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, huống chi con người, không ai là hoàn mỹ cả. Chồng lười, chồng ở bẩn, chồng vụng về không khéo léo…những điều đó đàn bà có thể chấp nhận và “sống chung với lũ”. Nhưng có những ông chồng phải dùng từ: Tệ bạc! Sống với những người chồng như vậy cuộc đời người đàn bà chỉ có đắm chìm trong nước mắt.
Chồng tệ bạc, họ là ai? Những người đàn ông lỡ dính “tứ đổ tường”: cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện hút. Những kẻ có thói trăng hoa có vợ rồi lại có nhân tình, đam mê xác thịt đến lú lẫn. Bên cạnh đó, lại có những ông chồng cộc tính rất vũ phu với vợ. Hễ đụng chuyện là dùng sức mạnh cơ bắp, đánh đập vợ một cách tàn nhẫn không hề thương xót. Kể sao cho thấu nỗi khổ của đàn bà khi lỡ lấy phải những ông chồng như thế này?
Ngày yêu nhau, bản chất của đàn ông được che đậy rất khéo léo bằng vẻ lịch thiệp, ga lăng bên ngoài. Cưới nhau về rồi, nhiều người mới bật ngửa vì người chồng của mình hết sức tệ bạc. Nhưng mà khi đã là vợ là mẹ, bao nhiêu người đàn bà nuốt ngược nước mắt để giữ cho tròn hai chữ: Gia đình!
Nhà hàng xóm sát vách nhà tôi cãi nhau như cơm bữa. Những tiếng cãi nhau, bát đĩa vỡ loảng xoảng, tiếng khóc thét của vợ và hai đứa con quá quen thuộc với hàng xóm. Mọi người không đến tận nơi cũng biết việc gì đang xảy ra ở căn nhà ấy. Chồng lại về lục túi vợ lấy tiền đi đánh bạc. Vợ cãi, giằng lấy lại bị gã đàn ông vũ phu ấy đánh đập không thương tiếc. Mấy đứa con kinh hãi khóc thét theo mẹ.
Mấy năm trước, anh chồng không tệ như bây giờ. Anh có một tiệm sửa xe máy nho nhỏ đầu hẻm, chị vợ bán rau ngoài chợ. Cuộc sống hai người không giàu có lắm nhưng yên ấm. Nhưng rồi anh ta bị bạn xấu rủ rê sa vào đánh bạc. Mỗi lần vài ngàn, vài chục, vài trăm, có khi ván bài của họ đã lên tới cả triệu. Tiền bạc, của cải lần lượt đội nón ra đi vào những ván bài đen đỏ. Anh ta như con thiêu thân, càng thua càng muốn gỡ. Mỗi lần đánh thua, anh về nhà điên cuồng tìm kiếm tiền để đánh tiếp. Không có tiền, anh đem vợ ra đánh đập cho hả giận. Rồi bỏ đi, để mặc vợ con lem luốc, khổ sở.
Chị vợ anh là người rất hiền lành. Quê chị ở tận miền Tây, lấy chồng theo chồng về đây sinh sống. Trước kia anh chồng rất hiền lành, ai ngờ đến lúc đổ đốn như vậy. Chị buồn lắm, nhưng vì hai đứa con mà gắng gượng đến bây giờ. Anh ta nợ nần lên đến cả trăm triệu, buôn bán mấy bó rau có được bao nhiêu mà chủ nợ đến phá tanh bành sạp rau của chị. Chị đưa tay, sờ vào vết thương trên cánh tay rỉ máu: “Nếu không có hai đứa con, chị chết đi cho nhẹ người…”
Chị hàng xóm của tôi là một trong số rất nhiều những người đàn bà phải sống chung với những ông chồng như vậy. Đàn ông mà lỡ nghiện rượu, cờ bạc, hút chích thì không dễ gì dứt ra được. Nó như một thứ độc dược, không giết con người ngay tức khắc mà giết một cách từ từ, tàn nhẫn. Không làm lụng làm ăn, bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên vai vợ nhưng hễ “cơm không lành, canh không ngọt” lại sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Phận đàn bà sao mà khổ sở?
Một số đàn ông không cờ bạc, rượu chè, rất giỏi làm ăn nhưng lại trăng hoa. Có vợ chưa đủ, họ còn lén vụng trộm ở ngoài. Cái tật mê gái và đam mê xác thịt một khi đã là bản chất thì đàn ông khó lòng mà bỏ được. Có một lần rồi sẽ có lần hai. Sống với những ông chồng như vậy, đàn bà đau đớn lắm.
Ngày hôm qua, chị hàng xóm sang chào tôi. Nói là chị đã viết đơn ly hôn, vài ngày nữa chị sẽ bế hai đứa con về nhà ngoại. Chị nói: "Chị cạn kiệt sức lực rồi. Bao năm đã qua mà anh ấy không hề thay đổi mà ngày càng lún sâu vào cờ bạc. Chị nín nhịn vì con nhưng làm được đồng nào anh ta cũng vét mà đi đánh bạc. Năm năm hay mười năm cũng thế thôi, chi bằng chị bỏ. Chị mang theo con và làm lại cuộc đời mới. Sống mãi với anh ta đời chị không khác gì bỏ đi rồi…".
Chị về rồi, tôi thật tâm thấy mừng cho chị. Cuối cùng, chị cũng đủ dũng cảm mà dứt bỏ được người chồng tệ bạc đó. Có một lối thoát cho cuộc đời lâu nay chị vẫn cố tình né tránh và hôm nay chị đã can đảm mà chọn: Ly hôn!
Hôn nhân là canh bạc. Biết rằng may mắn sẽ đến với rất ít người nhưng đàn bà, dù cuộc đời mình có đứng bên vực thẳm của tuyệt vọng vẫn có quyền chọn cho mình một lối thoát. Lấy chồng để mong yên ấm, an vui nhưng chồng tệ bạc quá thì hãy ly hôn!