Sỏi niệu quản hình thành do sự lắng đọng các khoáng chất trong nước tiểu, không được đào thải ra bên ngoài tạo thành sỏi, bùn sỏi, sạn sỏi trong niệu quản. Sỏi niệu quản làm tắc nghẽn đường lưu thông của nước tiểu, từ đó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, viêm thận, rối loạn hệ tiết niệu thậm chí còn dẫn đến tử vong. Đây có thể nói là một loại bệnh lý nguy hiểm cần được chữa trị sớm.
Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về sỏi niệu quản để có cách phòng tránh, phát hiện và điều trị kịp thời.
Sỏi niệu quản là gì?
Niệu quản là 1 đường ống dài khoảng 25cm có chức năng dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Nó có cấu tạo hẹp dần khi xuống cuối niệu quản.
Sỏi niệu quản là loại sỏi có thể di chuyển từ thận xuống niệu quản. Đây là dạng sỏi nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu vì nó nằm trong lòng niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang gây ra sự tắc nghẽn nước tiểu, ứ đọng nước tiểu từ đó dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.
Sỏi dạng này có thể xuất hiện ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là ở 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:
+ Đoạn nối thận vào niệu quản
+ Đoạn nối niệu quản vào bàng quang
+ Đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.
Số lượng sỏi thường là 1 viên, cũng có trường hợp nhiều viên hay thành một chuỗi sỏi. Đoạn niệu quản có sỏi thường viêm dính dày lên, đoạn niệu quản trên giãn to, đoạn niệu quản dưới teo nhỏ, chít hẹp….
Sỏi niệu quản tuy nhỏ nhưng cấu tạo lại có gai nhọn, mỗi khi di chuyển, cọ xát, va chạm vào đường niệu sẽ tạo ra sự chà xát là nguyên nhân của những cơn đau sống lưng, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rát.
Trường hợp xấu, nếu sỏi bị kẹt trong cuống đài thận còn làm tắc cuống đài thận, dần dần khiến thận giãn như 1 túi nước, gây ra hiện tượng đau quặn thắt, nhiễm trùng đường tiểu, gây viêm, phù nề… dẫn đến suy thận, hoại tử đường tiểu, vỡ thận, vỡ bàng quang… vô cùng nguy hiểm tới tính mạng.
Nguyên nhân gây sỏi niệu quản
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi niệu quản, nhưng có các nguyên nhân thường gặp là:
Do bị sỏi thận
Nếu bị sỏi thận thì khả năng mắc sỏi niệu quản sẽ rất cao đến 80%, do sỏi niệu quản bị rơi từ thận rơi xuống. Đây cũng là lý thuyết để hình thành loại sỏi này giống như sỏi thận.
Hậu quả của các bệnh khác như
Sỏi niệu quản cũng có thể hình thành do các loại bệnh khác gây nên như: Bệnh gout, viêm lao, bệnh tuyến giáp, giang mai, thương tổn niệu quản do các phẫu thuật khác gây nên…
Dị dạng niệu quản bẩm sinh
Nếu niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… bị bẩm sinh sẵn thì đó cũng là các yếu tố làm ứ đọng nước tiểu gây ra sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.
Tăng bất thường can-xi trong máu
Khi lượng canxi trong máu tăng cao sẽ làm cho canxi trong niệu quản cũng tăng; hoặc khi bị u bướu ở tuyến giáp sẽ làm rối loạn tuyến chuyển hóa can-xi; hoặc có thể do viêm nhiễm mãn tính…cũng gây ra sỏi niệu quản.
Nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi
Tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận.
Bình thường thận đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu trong 1 ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800-1.000mg/24 giờ với chế độ ăn bình thường.
Giảm citrat niệu
Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì citrat niệu cũng sẽ giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh tạo thành sỏi niệu quản.
Nước tiểu bị quá bão hòa về oxalate
Khi lượng oxalate trong cơ thể cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng sỏi niệu quản. Oxalate thường có trong các kiauh rau như rau chút chít, đại hoàng, hoặc nếu ngộ độc vitamin C cũng làm lượng oxalate tăng cao.
Ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non cũng thường thấy tăng oxalate niệu và có sỏi oxalat, những người có rối loạn hệ thống men chuyển hóa ở gan do di truyền gây tăng bài xuất axit oxalic để tạo thành oxalate cũng dễ có sỏi oxalat.
Chế độ ăn uống
Nếu các yếu tố kết tinh trong thức ăn cao sẽ làm các tinh thể khoáng chất bị kết đọng lại tạo thành sỏi niệu đạo. Thói quen uống ít nước, cộng với môi trường sống nóng bức cũng là nguy cơ gây sỏi niệu quản.
Dấu hiệu sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản thường biểu hiện qua các dấu hiệu như:
Các triệu chứng đau
Khi bị sỏi niệu quản, bạn sẽ thường phải đối mặt với những cơn quặn thận, và cơn đau nhiều hơn mỗi khi sỏi di chuyển, hoặc khi bạn gắng sức làm việc gì đó.
Cơn đau sẽ có xu hướng bắt đầu từ thắt lưng rồi lan xuống vị trí niệu quản, qua bộ phận sinh dục và mặt trong đùi. Cơn đau ở hố thắt lưng dưới xương sườn rồi lan về phía rốn thường báo hiệu hiện tượng bể thận và đài thận đã bị tắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn kèm theo sốt, rét run, buồn nôn và nôn…
Tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt
Sỏi niệu quản còn khiến bạn cảm thấy buồn nôn, bụng chướng, bí trung đại tiện, tiểu buốt, tiểu rắt. Khi tiểu đục, có mủ kèm sốt rét thì khả năng bạn đã bị nhiễm trùng thận ngược chiều. Đây là trường hợp rất nghiêm trọng đe dọa chức năng thận, nguy cơ nhiễm trùng huyết và choáng nhiễm trùng là rất cao.
Suy thận
Suy thận xảy ra khi niệu quản bị tắc làm nước tiểu ngưng đọng. Nên nhớ, niệu quản là con đường duy nhất để dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Thận ứ nước gây phù nề
Sỏi niệu quản không chỉ gây ứ nước ở thận và làm thận căng lên mà còn làm mỏng nhu mô của thận dẫn đến tình trạng suy thận. Khi bệnh thành mạn tính thì việc điều trị khó khan hoặc không thể chữa khỏi. Căn bệnh sẽ làm cuộc sống mệt mỏi, tuổi thọ giảm, khả năng lao động giảm.
Nhiễm trùng thận
Khi bị sỏi niệu quản thì vi khuẩn sẽ lan sang những vùng khác quanh thận, gây ứ mủ ở thận, ảnh hưởng xấu đến vùng sinh dục như gây viêm nhiễm, giảm khả năng sinh sản.
Điều trị sỏi niệu quản như thế nào?
+ Đối với sỏi nhỏ, chưa gây ra biến chứng nguy hiểm thì bạn có thể dùng các loại thuốc làm tan sỏi theo chỉ định của bác sĩ.
+ Đối với sỏi to gây ra nhiều biến chứng, thì bạn nên áp dụng các biện pháp phẫu thuật xâm lấn như: Mổ hở lấy sỏi trực tiếp ra ngoài; tán sỏi bằng laser; phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc; tán sỏi qua da ngoài cơ thể.
+ Xử lý dứt điểm các nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường tiết niệu.
+ Nếu sỏi là do các bệnh toàn thân khác như bệnh gout, cường tuyến cận giáp trạng, viêm lao, giang mai,…thì cần chữa trị triệt để các bệnh này.
+ Thực đơn ăn uống cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ ngày 2-3 lít nước, kiêng ăn mặn, hạn chế ăn thịt động vật… và có thể sử dụng sản phẩm giúp ngăn ngừa tái phát.
Chữa sỏi niệu quản bằng mẹo dân gian
Bài 1
Nguyên liệu: Kim tiền thảo 80g, phục linh 30g
Cách dùng: Cho cả hai vào nồi cùng 400ml nước để nấu cho đến khi chỉ còn 250 ml nước thì chắt ra để uống. Chia vài lần dùng hết trong ngày. Thực hiện bài thuốc liên tục trong 10 - 15 ngày.
Bài 2
Nguyên liệu: Lá cối xay 10g, mã đề 10g, kim tiền thảo 15g.
Cách dùng: Cho các vị thuốc vào nồi cùng 400ml nước, nấu sôi, khi còn lại 250ml nước, chia uống hết trong ngày. Dùng liên tục 15 - 20 ngày.
Bài 3
Nguyên liệu: Quả dứa dại
Cách dùng: Hãy thái nhỏ quả dứa dại đem phơi khô rồi dùng sắc lấy nước uống.
Bài 4
Nguyên liệu: Rau ngổ
Cách dùng: Lấy một nắm rau ngổ tươi, rửa sạch rồi giã nát lấy nước uống hàng ngày giúp giảm tình trạng sỏi niệu quản.
Bài 5
Nguyên liệu: Đu đủ xanh
Cách dùng: Lấy đu đủ xanh gọt vỏ đem hấp cách thuỷ để ăn. Tuần vài lần.
Bài 6
Nguyên liệu: Chuối hột
Cách dùng: Chuối hột xanh rửa sạch, thái lát thành khoanh mỏng, cho vào chảo sao khô, hạ thổ trong vòng 48h, sau đó tán thành bột. Mỗi lần sử dụng lấy khoảng 12g pha với nước, uống 3 lần/ ngày. Sử dụng liên tục trong vòng 2 tháng sẽ làm mòn sỏi.
Bài 7
Nguyên liệu: Giấm Táo
Cách dùng: Pha 2 thìa giấm táo nguyên chất với 150ml hoặc 300ml nước lọc và uống thành nhiều lần trong ngày, đặc biệt sẽ đem lại hiệu quả hơn khi uống trước mỗi bữa ăn để hòa tan sỏi thận.
Bài 8
Nguyên liệu: Quả sung xanh
Cách dùng: Chọn 2-3 quả sung tươi cho vào nồi nấu sôi cùng 250ml nước lọc. Ăn quả sung và uống nước sung đã đun khi còn ấm vào buổi sáng lúc bụng đói.
Sỏi niệu quản khá phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, do mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa, dễ dàng kết tủa tạo thành sỏi.
Với với môi trường sống như nước ta thì bạn nên hạn chế ăn mặn, uống nước nhiều, và đặc biệt luôn kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện các loại sỏi giúp cho việc chữa trị được dễ dàng và có kết quả tốt.