Trong cơ chế bài tiết của cơ thể, thận sẽ có chức năng lọc nước dư thừa và chất thải ra khỏi máu thông qua nước tiểu. Nước tiểu được chứa ở bàng quang và khi đạt từ 250 - 800ml sẽ gây kích thích, tạo ra cảm giác muốn đi tiểu. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen nhịn tiểu, đặc biệt là người làm việc trong văn phòng. Thói quen nhịn tiểu lại gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng.
Tác hại của thói quen nhịn tiểu
Đôi khi bạn nhịn tiểu vì đang bận một công việc hay trong tình huống không thể đi tiểu. Tuy nhiên, nếu nhịn tiểu thường xuyên và diễn ra trong thời gian dài, bàng quang có thể sẽ bị kéo căng để dữ trữ được nhiều nước tiểu hơn. Trong vài trường hợp, bàng quang của người thường xuyên nhịn tiểu sẽ có thể trữ nước tiểu nhiều gấp đôi người bình thường.
Không chỉ bàng quang, các cơ vòng bên ngoài cũng bị kéo căng. Trong khi đó, những cơ này lại đóng vai trò rất quan trọng, giúp bàng quang giữ nước tiểu để chúng không bị rò rỉ ra ngoài. Do đó, khi nhịn tiểu trong thời gian dài, cơ thể sẽ sẽ không còn khả năng kiểm soát được các cơ vòng bên ngoài bàng quang, khiến nước tiểu dễ bị rò rỉ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng như: Nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang, thận. Việc giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm các vi khuẩn có hại trong nước tiểu, gây nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang. Ngoài ra, thói quen nhịn tiểu cũng là nguyên nhân gây ra sỏi thận, suy thận.
Bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận thông tin, thói quen nhịn tiểu có nhiều tác hại. Trước hết, bàng quang tích trữ nước trong thời gian dài sẽ bị căng. Đến 1 lúc nào đó bàng quang sẽ ứ nước và làm liệt dây thần kinh bàng quang khiến nó không còn nhạy cảm nữa.
Thứ 2, khi bàng quang bị ứ nước, một thời gian sau, nguy cơ thận cũng bị ứ nước rất cao, gây tạo sỏi và áp lực lên 2 cầu thận. Lâu dần, bạn dễ dàng mắc phải căn bệnh suy thận do tắt nghẽn đường tiểu.
Do đó, bác sĩ Ân khuyên bạn nên uống đủ nước và không nên nhịn tiểu. Khi đau tiểu, hãy đi ngay. Trong một vài trường hợp bận việc, đang ở nơi không đi tiểu được thì mới dùng đến biện pháp nhịn tiểu.