Bệnh viêm xoang khá phổ biến và diễn ra ở nhiều độ tuổi. Nhất là những người thường xuyên ở môi trường lạnh hoặc môi trường máy lạnh.
Bệnh viêm xoang có nguy hiểm không? Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu để nặng, sẽ gây ra các biến chứng khó lường. Hãy cùng tìm hiểu thật kỹ về bệnh viêm xoang để có cách phòng tránh, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, dứt điểm.
Bệnh viêm xoang là gì?
Bệnh viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm, mất đi khả năng hoạt động bình thường. Những tổn thương lâu ngày nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ứ đọng dịch nhầy bám vào thành và gây ra hiện tượng đầy ứ, hẹp và tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ.
Viêm xoang được phân loại thành bệnh cấp tính và mãn tính.
+ Viêm xoang cấp tính xuất hiện trong thời gian ngắn, dưới 4 tuần
+ Viêm xoang mãn tính là tình trạng bệnh kéo dài trên 12 tuần.
Các cấp độ viêm xoang thường gặp được phân loại theo các cấp độ:
+ Viêm xoang hàm: Viêm Xoang hàm gồm các hốc xoang nằm quanh vùng mắt và hai hai bên má. Bao phủ bề mặt các xoang này là lớp niêm mạc. Khi các lớp niêm mạc bị viêm nhiễm sẽ gây ra bệnh viêm xoang hàm.
+ Viêm xoang sàng: Xương sàng có vị trí nằm giữa hai mắt, nằm dưới trán và ở phía trên hốc mũi. Bên trong xương sàng có 4 hang rỗng thông với nhau chính là xoang sàng. Khi các xoang này bị nhiễm trùng sẽ tạo thành bệnh viêm xoang sàng.
+ Viêm xoang trán: Xoang trán gồm 2 khoang nhỏ chứa đầy không khí nằm ngay trên ổ mắt, tương ứng với vị trí vùng lông mày. Bình thường xoang trán tiết ra một ít chất nhầy chảy qua đường mũi. Khi bị viêm hoặc nhiễm trùng, chất nhầy không thoát ra được bít tắc lại trong xoang. Dẫn đến tăng áp lực quanh mắt và trán.
+ Viêm xoang bướm: Xoang bướm thuộc nhóm xoang sau, nó có vị trí nằm sâu dưới nền sọ và có liên quan tới phần sau của ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch hang và tuyến yên. Xoang bướm là xoang nằm sâu nhất trong tất cả các xoang, cho nên muốn chẩn đoán chính xác bệnh cần rất nhiều phương tiện lâm sàng hiện đại như: nội soi, chụp C.T…
+ Viêm nhiều xoang cùng lúc: Là tình trạng các xoang đồng thời bị viêm cùng lúc, khiến bệnh tình càng trở nên trầm trọng.
Triệu chứng bệnh viêm xoang điển hình nhất
Khi bị bệnh viêm xoang, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như:
Đau, nhức đầu
Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm xoang trán. Người bệnh thường đau nhức ở giữa 2 lông mày, đau một bên ở phía trên ổ mắt. Các cơn đau thường tăng dần và đau đỉnh điểm giữa trưa. Trong cơn đau, người bệnh có thể chảy nước mắt, nước mũi, chảy mủ…
Chảy dịch mũi
Người bị viêm xoang trán còn hay bị chảy dịch mũi. Dịch thường đặc, có màu vàng, nâu hoặc xanh, có mũi tanh hoặc hôi.
Chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Khi bị viêm xoang, người bệnh thường phải đối mặt với những cơn đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mất nước dẫn đến suy nhược cơ thể…
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xoang. Tuy nhiên phải kể đến 4 nguyên nhân cơ bản thường gặp nhất gồm:
Vi khuẩn, nấm
Nấm và vi khuẩn từ môi trường sống, dễ dàng thâm nhập vào các xoang và phát triển gây nên tình trạng viêm nhiễm, ứ đọng chất nhầy, cản trở luồng không khí lưu thông.
Cơ địa dị ứng
Những người có thể trạng đặc biệt dễ bị dị ứng với một số chất, thường là hóa chất, thức ăn, lông chó mèo, phấn hoa... gây niêm mạc mũi phù nề, bít các lỗ xoang và cuối cùng là nhiễm trùng.
Sức đề kháng kém
Khi cơ thể bị suy nhược, dẫn đến niêm mạc đường hô hấp suy yếu, hệ thần kinh rối loạn khiến cơ thể không đủ sức tấn công lại vi khuẩn. Lúc này vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập gây viêm xoang.
Bệnh lý đường hô hấp
Khi tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống luân chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém dẫn đến tình trạng viêm mũi dị ứng...
Nguyên nhân khác
Cũng cần biết rằng, bệnh viêm xoang cũng có thể là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, hoặc chấn thương...
Cách trị bệnh viêm xoang bằng chuyên khoa
Hiện nay có 2 cách để điều trị viêm xoang theo chuyên khoa bao gồm:
Điều trị viêm xoang nội khoa
Khi bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể điều trị bằng cách:
+ Dùng thuốc giảm đau đơn giản
+ Rửa mũi hay xông hơi bằng nước muối sinh lý ấm
+ Thay đổi lối sống như ăn uống nóng, nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.
+ Sau 2 ngày, nếu các triệu chứng viêm xoang không cải thiện hoặc nặng thêm thì có thể dung thuốc kháng sinh, kháng viêm.
+ Bệnh nhân có thể chọc rửa xoang hàm khi bị viêm mãn tính.
Điều trị viêm xoang ngoại khoa
Phương pháp này là phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng khi bệnh nhân đã điều trị bằng nội khoa không hiệu quả.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có đến 30 - 40% nguy cơ tái phát lại sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật.
Khả năng tái phát viêm xoang phụ thuộc vào cơ địa người bệnh, tình trạng viêm xoang hay việc bệnh nhân có tuân thủ theo các phác đồ điều trị bệnh hay không.
Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang
+ Nên phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Nên chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất sau khi tiếp xúc với người ốm.
+ Bổ sung nhiều trái cây tươi, rau xanh trong thực đơn hàng ngày.
+ Tránh căng thẳng mệt mỏi, stress.
+ Hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như (khói thuốc lá, bụi đường phố, khói xe, hóa chất, máy lạnh…).
+ Không để tình trạng nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách.
+ Không tự ý sử dụng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi. Tốt nhất chỉ nên dung nước muối sinh lý để rửa mũi, thông mũi.
+ Có chế độ nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể hợp lý để nâng cao thể lực, phòng chống cảm cúm.
+ Khi sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.
Bệnh viêm xoang kiêng ăn gì?
Một số loại thực phẩm sau đây có thể sẽ khiến tình trạng bệnh viêm xoang càng trở nên trầm trọng hơn mà người bị bệnh viêm xoang cần tuyệt đối tránh.
Bệnh viêm xoang không nên ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng
Các thực phẩm dễ gây dị ứng như một số loại hải sản, trái cây, nhộng tằm…bệnh nhân cần hết sức cẩn thận khi muốn sử dụng chúng trong thực đơn hàng ngày. Do các thực phẩm này có thể gây dị ứng cho mủ trong các xoang nhanh chóng tích tụ, gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ở mũi.
Bệnh viêm xoang không nên ăn sữa và các sản phẩm từ sữa
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sữa và các sản phẩm từ sữa có thể là tăng chất dịch nhầy trong mũi gây hiện tượng khó thở khiến người bệnh thiếu oxy dẫn đến mệt mỏi.
Bệnh viêm xoang không nên sử dụng các loại chất kích thích
Bia, rượu, nước ngọt có ga, cà phê…có thể gây ra hiện tượng kích ứng, khiến vùng mũi nhanh chóng sưng đỏ và tích tụ mủ nhiều hơn.
Bệnh viêm xoang không nên ăn thực phẩm cay nóng
Khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn thức ăn cay, nóng sẽ khiến dạ dày khó hấp thu và gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Các axit trong dạ dày nhanh chóng tấn công lên vòm họng và mũi khiến cho bệnh viêm xoang càng tồi tệ hơn.
Bài thuốc chữa bệnh viêm xoang
Khi viêm xoang ở thể nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các bài thuốc nam để điều trị.
Chữa bệnh viêm xoang bằng hoa kim ngân
Theo Đông y, kim ngân hoa có tính hàn và vị ngọt có tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Theo Tây y, trong kim ngân có chứa các hoạt chất có khả năng kháng nấm, vi rút và vi khuẩn. Từ xa xưa kim ngân đã được sử dụng trong các bài thuốc để chống viêm, giải nhiệt, làm giảm chất xuất tiết, giúp giảm viêm phù nề gây tắc lỗ thông xoang, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng xoang
Bài 1: Trị viêm xoang cấp tính
Nguyên liệu: 16g kim ngân hoa, 8g chi tử, 16g ngư tinh thảo, 12g mạch môn, 16g ké đầu ngựa.
Cách dùng: Đem tất cả các nguyên liệu sắc uống mỗi ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm. Đây là bài thuốc trị viêm xoang cấp tính rất hiệu quả.
Bà 2: Trị viêm xoang mãn tính
Nguyên liệu: 16g kim ngân hoa, 8g trần bì, 12g đan bì, 12g mạch môn, 16g ké đầu ngựa, 12g hoàng cầm, 12g huyền sâm và 16g sinh địa.
Cách dùng: Đem các nguyên liệu sắc lấy nước uống hàng ngày. Chứng viêm xoang, đau nhức sẽ giảm dần.
Chữa bệnh viêm xoang bằng cây ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa là một loại thảo dược giàu dược tính như chất béo, Alcaloid, iod và saponin...có thể dùng chữa rất nhiều loại bệnh như giải cảm, bệnh ngoại tà xâm nhập, bướu cổ, , viêm mũi dị ứng, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm xoang.
Cách 1
Nguyên liệu: 8g quả ké đầu ngựa, 1,5g bạc hà, 30g bạch chỉ và 15g di tân
Cách dùng: Đem các nguyên liệu trên tán mịn thành bột rồi trộn đều. Mỗi tối dùng 6g bột hoà với nước ấm để uống sau bữa ăn. Kiên trì dùng liên tục cho đến khi khỏi bệnh.
Cách 2
Nguyên liệu: 1,5g bạc hà, 8g quả ké đầu ngựa, 15g di tân và 30g bạch chỉ
Cách dùng: Mỗi ngày sắc 1 thang để uống, tình trạng viêm xoang sẽ giảm dần.
Chữa bệnh viêm xoang bằng cây cứt lợn
Theo Đông y, cây cứt lợn có tính mát và vị hơi đắng, có tác dụng giải độc, cầm máu, thanh nhiệt và tiêu sưng, chống dị ứng, chống viêm và chống phù nề trong các trường hợp bệnh như viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính, sổ mũi.
Cách 1
Nguyên liệu: 1 nắm cứt lợn tươi; 1 nắm muối
Cách dùng: Rửa sạch cứt lợn sau đó ngâm trong nước muối sau đó xả lại bằng nước lạnh và để ráo nước. Tiếp đó, giã nát cứt lợn vắt lấy nước cốt, dùng bông gòn thấm nước cứt lợn rồi nhét vào mũi.
Cách 2
Nguyên liệu: 30g cứt lợn khô
Cách dùng: Đem sắc cứt lợn khô cho đến khi còn 200ml nước rồi chia làm 2 phần. 1 phần nước dùng để xông mũi, 1 phần đem chia làm 2 lần uống trong ngày.
Chữa bệnh viêm xoang bằng cây diếp cá
Rau diếp cá vị ngọt, tính mát, mùi tanh, có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nguyên liệu: Lá diếp cá tươi, 1 nắm muối
Cách dùng: Rửa sạch lá diếp cá rồi ngâm trong nước muối 5 phút, sau đó vớt lá diếp cá ra cho ráo nước rồi giã nát lấy nước cốt cho vào lọ. Mỗi ngày nhỏ 2-3 giọt để cải thiện chứng viêm xoang.
Chữa bệnh viêm xoang bằng lá lốt
Lá lốt chứa lượng lớn tinh dầu và các hoạt chất piperin, piperidin có tác dụng kháng sinh và chống viêm rất tốt. Đặc biệt có thể kháng rất mạnh với các loại vi khuẩn như: vi khuẩn như D. pneumoniae, Staphylococcus, Shiga, Salmonella typh, B. subtilis, D. pneumoniae, Streptococcus, C. diphteriae, Es. coli…
Nguyên liệu: Lá lốt tươi, muối
Cách dùng: Rửa sạch 1-2 lá lốt rồi ngâm muối ít phút sau đó vớt ra cho ráo nước rồi vò nát nhét vào mũi.
Chữa bệnh viêm xoang bằng lá bạch đàn
Bạch đàn chứa một loại tinh dầu có tính sát khuẩn mạnh có tác dụng kháng viêm, giảm triệu chứng đau nhức, làm giảm tắc nghẽn ở các hốc xoang.
Nguyên liệu: Lá bạch đàn tươi
Cách dùng: Đem rửa sạch lá bạch đàn rồi vớt ra vò nát hãm với nước sôi. Dùng nước này để xông mũi, tinh dầu bạch đàn sẽ làm giảm cơn đau nhức do viêm xoang gây ra.
Chữa bệnh viêm xoang bằng mướp khía
Mướp khía vị ngọt, tính bình có chứa nhiều hoạt chất chống viêm rất tốt.
Cách 1
Nguyên liệu: 8 – 12g phần thân rễ và rễ của cây mướp khía già
Cách dùng: Đem rửa sạch nguyên liệu trên rồi sắc lấy nước uống hàng ngày.
Cách 2
Nguyên liệu: 10 – 20g thân cây mướp khía và 8 – 12g thân cây sim
Cách dùng: Đem các nguyên liệu sắc lấy nước uống. Nếu bị táo bón thì có thể sắc chung với 30g mè đen.
Chữa bệnh viêm xoang bằng hạt gấc
Theo Đông y, hạt gấc có màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc có tác dụng chữa mụn nhọt, sưng tấy, tràng nhạc, lỡ loét, tiêu thũng
Theo Tây y, hạt gấc có chứa 55,3% chất lipit, 16,6% chất protit, 1,8% tanin, 2,8% xenluloza, 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường, 11,7% chất khoáng, men photphotoba, invedax,…có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng, thông các ổ xoang, tan các chất nhầy trong mũi.
Nguyên liệu: 25 – 30 hạt gấc; 300ml rượu trắng
Cách dùng: Đem nướng gạt gấc trên bếp đến khi vỏ ngoài cháy hết, phần thịt bên trong chín mềm thì lấy ra cho vào cối giã nhỏ cả vỏ lẫn thịt. Sau đó bỏ gấc vào ngâm với rượu 2-3 ngày đem ra dùng bằng cách lấy bông tăm thoa 2-4ml dung dịch rượu lên phần sống mũi rồi massage nhẹ nhàng trong 2 phút. Khi dịch mũi tan hãy hỉ hết ra ngoài. Mỗi ngày làm 2-3 lần làm liên tục trong 5 ngày.
Bệnh viêm xoang gây đau nhức đầu, mũi, khiến thể trạng người bệnh mệt mỏi, suy kiệt. Vì vậy, nên điều trị viêm xoang sớm và đúng cách để thoát khỏi sự khó chịu do bệnh gây ra.