- Dù lọt đề cử nhưng lại không giành Giải thưởng hành động vì cộng đồng 2023 (Human Act Prize), song hẳn 2 chương trình "Hát cho ngày mai" và "Mái ấm gia đình Việt" đối với anh rất có ý nghĩa?
Hai chương trình này và nhiều chương trình tôi từng dẫn dắt như: Vượt lên chính mình, Tiếp sức hồi sinh,... đều là những chương trình nhân đạo.
"Hát cho ngày mai" là chương trình "có một không hai" vì rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi được thực hiện ngay sau đại dịch COVID-19. Chương trình tri ân lực lượng tuyến đầu đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để xông vào giữa tâm dịch cứu sống, giúp đỡ mọi người. Đồng thời, giúp đỡ những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch. Đã có những gia đình mất hết người thân, có em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ... Đó là chương trình đẫm nước mắt mà thực hiện xong, tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài.
"Mái ấm gia đình Việt" là sự nối tiếp của "Hát cho ngày mai". Chương trình nhằm hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và hy vọng có thể giúp các em một "chiếc phao" để bám víu trong cuộc sống vất vả, mở ra tương lai mới. Nếu không có chương trình, nhiều em nhỏ có thể phải nghỉ học.
- Nhiều người tò mò, để mời Quyền Linh tham gia những chương trình này dễ hay khó?
Tôi không quan trọng chuyện "mời" mà chỉ là người đồng hành. Nhiều chương trình giải trí có thể mời tôi, nhưng chương trình thiện nguyện thì dùng từ "gọi". Với tôi, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm. Thấy hoàn cảnh khó khăn, mọi người đều sẵn sàng xắn tay vào làm, không cần mời ai cả.
Không chỉ thế, được các nhà sản xuất "chọn mặt gửi vàng" cho các chương trình thiện nguyện là niềm hạnh phúc. Bởi, có lẽ, mọi người tin tưởng vì tôi có thể kết nối tốt những mảnh đời khó khăn với các mạnh thường quân, nhà tài trợ. Các chương trình tôi đồng hành luôn có sự lan tỏa tốt. Chương trình giúp đỡ được 5 gia đình, nhưng thông qua sự ảnh hưởng của tôi, con số được giúp đỡ có thể là 10. Có hoàn cảnh ban đầu chỉ được giúp đỡ khoảng chục triệu đồng nhưng khi tôi dẫn, nhiều người biết đến hơn và gửi tiền ủng hộ hàng trăm triệu đồng.
- Anh có từng nản không?
Gần 30 năm qua, nắng gió đã đọng trên gương mặt tôi. Tôi nghĩ mình cũng khá "trâu bò". Sáng dậy lúc 4 - 5h, đi làm bất chấp mưa gió, nắng gắt vẫn không nghỉ. Nói thật, nhiều nghệ sĩ không dậy nổi đâu, mệt lắm!
Ban đầu thì không, nhưng lâu sẽ quen. Tôi chỉ nghĩ, nếu mình không cố gắng dậy sớm, tới nơi sẽ không kịp. Làm chương trình mổ tim, tới trễ không làm thủ tục kịp để hỗ trợ tiền viện phí, có thể có người không kịp chờ mổ. Hoặc nếu tôi tới không kịp, có thể bạn nhỏ nào đó phải nghỉ học vì gia đình khó khăn. Có lần, một em nhỏ chuẩn bị ra xe đò lên TP.HCM tìm việc làm. May tôi tới kịp, thuyết phục gia đình giữ em ở lại, cho em tiếp tục đi học.
Đó là những động lực thúc giục tôi phải dậy, phải đi. Mấy chục năm qua, tôi làm việc như một cỗ máy, sức khỏe xuống dốc. Nhưng mình cố một chút để những mảnh đời khó khăn hạnh phúc hơn.
- Anh luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là người kết nối. Trong khi nhiều mảnh đời nhờ sự kết nối hoặc chính sự giúp đỡ của anh đã giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn. Vậy còn anh, ở vai trò người kết nối, anh được gì?
Sự giúp đỡ của tôi quá nhỏ so với xã hội. Có người giúp đỡ nhiều nhưng họ không nói, không xuất hiện. Khi đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, chắc chắn bạn sẽ dốc hết tiền túi để chia sẻ với họ. Có khi, mình còn muốn có nhiều hơn để cho họ.
Tôi được gì ư? Tôi được nhiều hơn họ chứ! Tiền cho đi có thể đếm được, nhưng thứ tôi nhận được không thể đong đếm hay tính toán. Đi đến đâu, tôi cũng được mọi người dành tình cảm rất lớn, những lời động viên, chia sẻ, cái bắt tay hay cái ôm, cho con gà, cái bánh tét... Đó là điều khiến tôi hạnh phúc suốt gần 30 năm đồng hành với các chương trình thiện nguyện.
Nếu quay trở lại, tôi vẫn làm như vậy. Tôi muốn là tiếng nói của những hoàn cảnh khó khăn. Từng là người nghèo nên tôi hiểu, con người khi rơi vào sự khốn khó sẽ không biết bám víu vào đâu. Lúc đó, chỉ cần ai đó cho động lực, họ sẽ mạnh mẽ lên nhiều.
- Đó là lý do trông anh lúc nào cũng xuề xòa chân chất, "trung thành" với dép tổ ong?
Có lẽ đó là lý do lúc nào trông tôi cũng như ông xe ôm. Nhiều người nói, tôi không ra dáng nghệ sĩ, hay xuề xòa và đôi khi ăn mặc không tôn trọng công chúng. Thực ra, tôi đủ sức để đi một xe hơi tốt, có bảo vệ, trợ lý nhưng tôi không làm điều đó. Tôi chỉ muốn là người bình thường như bao người khác.
Nếu tôi xuất hiện trong một bộ vest lịch lãm, đi xe hơi, đầu tóc chải chuốt, chắc chắn sẽ tạo ra khoảng cách với người nghèo. Mình đơn giản, mới hòa được vào thế giới của những hoàn cảnh khó khăn. Họ có thể ôm tôi thoải mái mà không sợ dính bùn vào một bộ đồ đẹp.
- Làm thiện nguyện, anh có nguyên tắc nào để tránh bị soi mói?
Tôi thấy sao làm vậy và làm từ trái tim. Nếu tô vẽ cho bản thân, làm cho mình, người khác nói gì, tôi sẽ sợ. Nhưng tôi đang làm cho những hoàn cảnh khó khăn nên ai nói sao đều không quan trọng.
- Tuổi tác ngày càng cao hơn, sức khỏe cũng không còn như thời trai tráng. Anh có dự định gì cho hành trình của mình sắp tới?
Hãy cứ đi, lúc nào sức khỏe yếu, mình sẽ dừng lại nghỉ ngơi để đi tiếp. Đó là điều luôn thường trực trong suy nghĩ và quan niệm của tôi.
Nếu tôi nghỉ dẫn các chương trình, chắc chắn sẽ có người dẫn thay. Tôi không hay ho tới mức không ai thay thế được đâu! Tôi chỉ nghĩ, không biết các bạn khác dẫn tốt hay không, người nghèo sẽ được giúp đỡ nhiều hay không. Để tìm được người dẫn chương trình tốt rất dễ, nhưng tìm người hiểu về người nghèo, sẵn sàng lăn lộn với những mảnh đời khó khăn mới khó.
- Các con anh gần đây hay xuất hiện trong các chuyến thiện nguyện cùng cha. Anh có định hướng cho các con nối gót cha trong hành trình này?
Quan điểm của tôi là không ép ai làm gì. Nếu đam mê, họ sẽ làm. Con tôi thích gì, muốn làm gì, tôi sẽ ủng hộ chứ không ép. Làm thiện nguyện đơn giản, nhưng cũng khó. Tôi chỉ cố gắng cho các con xem nhiều chương trình của mình, cho đi cùng nhiều chuyến để chúng cảm nhận được.
Cảm ơn chia sẻ của nghệ sĩ Quyền Linh!