Cậu bé nói tiếng Anh giỏi hơn Tiếng Việt, lớp 4 đã đạt TOEIC 900
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Bình Nam, sinh năm 1983, hiện là giám đốc một công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số tại TP.HCM, vui mừng cho biết, con trai anh là Nguyễn Nam Long, hiện đang học lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vừa chinh phục TOEIC 920. Điều đặc biệt, để đạt điểm số này Nam Long không đi học thêm, chưa từng ôn luyện mà khả năng tiếng Anh của cậu bé đã có nền sẵn từ năm mẫu giáo.
Kể về hành trình học và thi tiếng Anh của con trai, anh Nam cho hay: “Long học không phải theo trường phái khổ luyện mà sử dụng tiếng Anh như tiếng Việt. Con làm quen tiếng Anh ở trường từ lúc 4 tuổi. Sau đó tôi có cho con học thêm với giáo viên người Mỹ ở cùng chung cư. Năm 6 tuổi, khả năng nói tiếng Anh của con trở thành phản xạ tự nhiên nên không học thêm gì đáng kể. Con sử dụng tiếng Anh như thành thạo như tiếng mẹ đẻ.
Trong lớp của con, dù là trường công lập nhưng nhóm 3, 4 bạn của con đều nói chuyện với nhau 100% bằng tiếng Anh. Ở nhà con xem phim, tìm kiếm thông tin… đều bằng tiếng Anh nên nghe, nói, đọc, viết không kém người bản xứ”.
Cậu bé lớp 6 Nguyễn Nam Long khiến ai cũng trầm trồ khi đạt 920 điểm TOEIC
Cậu bé học trường công, nói tiếng Anh thành tạo như tiếng Việt từ khi 6 tuổi
Với môn Toán, anh khuyến khích con bằng cách mỗi ngày học 15 phút Toán rồi mới được làm những việc theo sở thích. Chính nhờ nguyên tắc rắn này của anh Nam mà Long tham dự tất cả 16 cuộc thi Toán, khoa học bằng tiếng Anh đều giành giải.
Khi thi vào lớp 6 ngôi trường nổi tiếng bậc nhất TP.HCM, Nam Long không hề ôn thi ở ngoài mà chỉ giải bài tập cùng bố. Từ tháng 3-4, hai bố con đã cùng nhau làm bài để cho tháng 6 thi. Kết quả là Nam Long trúng tuyển vào 2 trường có tiếng và quyết định chọn học tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Đam mê lập trình, làm game code xịn như sinh viên làm đồ án
Không chỉ giỏi tiếng Anh, Nam Long còn có khả năng lập trình ngang sinh viên năm cuối khi còn đang học tiểu học. Anh Nam cho biết, ban đầu anh có cho con trải nghiệm nhiều bộ môn khác nhau nhưng đến hè lên lớp 2 mới cho làm quen với lập trình. Do ba làm trong lĩnh vực công nghệ nên đã hướng dẫn cho con kỹ càng kiến thức cơ bản mà không phải học thêm ở đâu. Thế nhưng, chính anh Nam cũng bất ngờ khi mới chỉ hướng dẫn con buổi đầu xong đã tự mày mò xem trên Youtube để học.
Nam Long hoàn thành một dự án game code từ đầu xịn xò như sinh viên làm đồ án. Cậu bé được nhận vào thực tập tại một công ty về game có tiếng ở Việt Nam.
Từ việc thử nghiệm để tìm hiểu nhưng cũng như ba, Nam Long đam mê luôn với lập trình. Cậu bé ăn ngủ mọi lúc mọi nơi để khám phá lĩnh vực mới này trong suốt thời gian nghỉ hè.
Năm lên lớp 2, Long đã có kinh nghiệm lập trình scratch và python ở lớp 3. Sau đó, anh Nam cho con học học Unity, dù đây là lập trình phù hợp với tuổi con và thường được người lớn sử dụng cũng như tự học là chủ yếu. Nắm vững kiến thức về lập trình nên mới 10 tuổi, cậu bé đã kiếm tiền được từ việc hướng dẫn cho các bạn nhỏ khác, đặc biệt hơn là Nam Long dạy kèm cho các bạn người Úc và Canada bằng tiếng Anh.
Được biết, khi đó Nam Long đã làm xong 1 dự án game code từ đầu xịn xò như sinh viên làm đồ án. Cậu bé được nhận vào thực tập tại một công ty về game có tiếng ở Việt Nam.
Sau thời gian đam mê lập trình, anh Nam cho hay, bây giờ con không dành nhiều thời gian như trước vì bảo AI cũng có thể làm được. Vì vậy, cậu bé tập trung sang thiết kế game.
“Tôi cũng nghĩ lập trình chỉ cần tạm đủ vào thời điểm này và cho con bổ sung kiến thức khác cần thiết hơn. Tôi không định hướng con trở thành lập trình viên mà con cần biết cách làm công nghệ, về kinh tế, tài chính. Hiện tại con vẫn xoay quanh các đam mê của mình và học đều các môn. Thậm chí, con còn chỉ dạy cho ba nhiều kiến thức mà ba không biết”, anh Nam chia sẻ.
Tiết lộ thêm về kế hoạch sắp tới, anh Nam cho hay: “Về định hướng lâu dài, Nam Long muốn nối nghiệp ba lãnh đạo doanh nghiệp. Còn mục tiêu trung hạn của con là đi du học để phát huy sở trường ở sân chơi lớn hơn. Tôi cho con tự do lựa chọn, không muốn con có định hướng sẵn vì sẽ làm hạn chế sự sáng tạo. Có thể con sẽ tìm ra hướng đi mới khi học lên lớp 7, 8”.