Theo thông tin từ báo Dân trí, vào sáng 4/3, Thượng tá Nguyễn Danh Bằng, Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), xác nhận đơn vị đã tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ trên địa bàn, phản ánh việc bị tai nạn rơi thang máy khi đi mua hàng; Cơ quan công an đang trong quá trình xác minh.
Chị Lê Thị Diễm Quỳnh (31 tuổi, trú tại xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) cho biết, ngày 14/7/2023, chị cùng chồng đến cửa hàng C. (tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) để mua hàng. Tại đây, chị được nhân viên cửa hàng tên Trương Thị M.T. (25 tuổi) hướng dẫn vào thang máy di chuyển lên tầng 2 xem hàng. Khi thang máy đang di chuyển thì bất ngờ rơi tự do với lực rất mạnh khiến chị Quỳnh cùng nữ nhân viên đều bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Quỳnh được chẩn đoán liệt hai chân, phải mổ cấp cứu. Hồ sơ bệnh án của bệnh viện thể hiện rõ, chị Quỳnh bị liệt, mất cảm giác hai chân từ đầu gối trở xuống, gãy xẹp thân sống L1, nẹp vít đốt sống.
Quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện chị Quỳnh đang mang thai hơn 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, do chị Quỳnh bị thương nặng, rơi từ độ cao xuống đất, dùng nhiều thuốc kháng sinh, thai nhi bị ảnh hưởng nhiều nên chị phải bỏ thai.
Chị Quỳnh cho biết, sau khi bị nạn, gia đình chị tập trung lo chạy chữa bệnh nên chưa nghĩ đến việc sẽ phát đơn thư đòi quyền lợi. Ngoài ra, phía cửa hàng C. cũng trao đổi mong xử lý tình cảm nên gia đình chị cũng muốn được chữa trị bệnh để sớm hồi phục. Sau đó, phía cửa hàng C. hứa hẹn sẽ lo chi phí điều trị và đưa cho gia đình chị Quỳnh 88 triệu đồng để lo chạy chữa cho chị.
Cũng theo chị Quỳnh, qua nói chuyện, nhận thấy phía cửa hàng không thực hiện như những điều đã hứa hẹn, cam kết, nên gia đình chị nhờ pháp luật vào cuộc để đòi quyền lợi, bởi tai nạn đã khiến chị bị liệt và mất con là quá nặng nề.
"Tôi đã suy sụp, sốc khi nghe bác sĩ nói mình sẽ bị liệt và phải bỏ đi đứa con đang mang trong bụng. Tôi biết vụ tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng phía cửa hàng phải có trách nhiệm như những gì họ từng nói", chị Quỳnh nêu quan điểm.
Cũng theo chị Quỳnh, gia đình chị đã gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ, đề nghị trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe để làm căn cứ trong vụ việc.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM, ông LQT, đại diện cửa hàng Cúc Còn. Tuy nhiên, ông T trả lời đã ủy quyền cho người đại diện để xử lý vụ việc, ông không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đã có văn bản trả lời chị Quỳnh. Theo văn bản, Sở LĐ-TB&XH không có cơ sở để can thiệp, chỉ đạo buộc vợ chồng ông LQT và bà VTCL bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị Quỳnh. Lý do, Luật An toàn vệ sinh lao động và các hướng dẫn liên quan không quy định chế độ tai nạn cho công dân không thuộc người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp khi xảy ra sự cố tai nạn.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn, để đảm bảo trách nhiệm của đơn vị khi để xảy ra tai nạn cho khách hàng, chị Quỳnh có thể thỏa thuận với chủ cơ sở để bồi thường hoặc báo với cơ quan công an để giải quyết theo quy định.
Theo Công an thị xã Buôn Hồ, đơn vị đã tiếp nhận đơn của chị Quỳnh về vụ việc. Tuy nhiên, công an đang xác minh các thông tin liên quan, chưa cung cấp được. Trong một thông báo liên quan mà gia đình chị Quỳnh cung cấp (có dấu của cửa hàng Cúc Còn) có nội dung bà NTKC, chủ hộ kinh doanh Cúc Còn, cam kết sẽ tiếp nhận chi trả chi phí chữa bệnh vì nguyên nhân tai nạn cho chị Quỳnh. Theo đó, cửa hàng Cúc Còn sẽ chi trả các chi phí chữa bệnh cho chị Quỳnh tại các cơ sở y tế công, có năng lực chữa trị và có chi trả BHYT. Việc chi trả được tính từ ngày 1-11-2023, trong khả năng chi trả của cửa hàng.
Ngoài ra, cửa hàng Cúc Còn không đồng ý chi trả cho chi phí chữa bệnh tại các cơ sở tư nhân ngoài, cơ sở không chi trả BHYT.
Trong thông báo nêu trên, đại diện cửa hàng cho biết rất mong muốn đem lại kết quả điều trị nhanh nhất, an toàn nhất cho chị Quỳnh.