Nội dung bài viết:
Hậu quả của việc dạy con bằng đòn roi
Sau mỗi trận đòn roi cũng như cơn mưa nước mắt, con trẻ có thể sẽ nghe theo, làm theo những gì bố mẹ bảo, nhưng đó chỉ là cách giải quyết tạm thời. Cái mà con học được chính là “sợ bố, sợ mẹ và sợ ăn đòn", chứ không phải là vì bé nhận biết mình sai và làm điều đúng.
Hậu quả tiêu cực nhất chính là khiến các con bị rối loạn về mặt tâm sinh lý, khó bày tỏ tâm sự với bố mẹ. Bởi con sẽ tưởng rằng, chỉ cần mình nói hay làm một điều gì sai trái thì sẽ có nguy cơ bị đòn roi.
Một số nghiên cứu về xã hội học và tâm lý đã chứng minh rằng, trẻ con sinh sống trong gia đình kỷ luật roi vọt và ngược đãi thì lớn lên có nguy cơ mắc bệnh tâm lý rất cao.
Nguy hiểm hơn nữa, chúng ta đang đưa vào đầu các con ý nghĩ rằng đòn roi chính là giải pháp tối ưu. Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng nắm đấm và bạo lực, chứ không phải bằng lý lẽ và sự cảm thông.
Bố mẹ có thể đã biết đòn roi không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhưng thay đổi thế nào, kỷ luật không đòn roi ra sao còn là điều khá mới mẻ ở Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường lớp, khóa học giảng dạy và tư vấn dành cho các bậc phụ huynh trong vấn đề nuôi dạy trẻ.
10 nguyên tắc trong cách dạy con không đòn roi
1. Nghiêm khắc nhưng hiền dịu
Đây là nguyên tắc quan trọng trong các phương pháp dạy con không đòn roi, trẻ em sẽ dễ ghi nhớ lời cha mẹ hơn, nếu bạn nói với chúng bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng phải dứt khoát và nghiêm khắc.
2. Lùi lại
Lùi lại nghĩa là phụ huynh cần phải bình tĩnh khi trẻ gây ra lỗi lầm, đừng nóng giận quá mức vì rất để dẫn đến các hành động vũ lực khi dạy trẻ.
3. Dạy con nghe lời
Đừng phạt con vì không nghe lời. Thay vào đó, hãy tìm cách dạy cháu biết làm theo lời cha mẹ. Ví dụ: “Mẹ không đồng ý khi con vứt mũ lung tung thế này. Từ lần sau, hãy treo mũ vào đúng chỗ. Mẹ phải làm gì để giúp con nhớ điều này nhỉ?”
4. Luôn có tinh thần xây dựng
Thay vì nói “Mẹ phải nhắc bao nhiêu lần để con đánh răng đây?”, hãy bảo “Con đánh răng đi, khi nào xong thì bảo mẹ để mẹ lấy đồ ăn sáng cho con”.
5. Giải thích nhưng không dọa nạt
Hãy giải thích ngắn gọn, dễ hiểu cho trẻ nhận biết vì sao phải làm thế này thế kia. Đây là phương pháp dạy con không đòn roi cung cấp cho các bé nền tảng quan trọng, để cháu có những hành vi tốt.
6. Cố gắng không nổi nóng
Thay vì thấy việc xấu con vừa làm là quá nghiêm trọng, bạn hãy coi như đây chính là dịp để bạn hướng suy nghĩ của con tới những hành vi tốt. Nhìn nhận vấn đề như vậy, bạn sẽ bớt cáu giận, bớt nóng nảy và hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều.
7. Nên khuyến khích con
Khuyến khích con làm việc nhà cùng mình, đơn giản như cùng nhau vào bếp nấu những bữa ăn mà bé thích.
8. Hãy mềm dẻo, linh hoạt
Bạn đang đợi cháu để làm việc gì đó. Tuy nhiên, nếu bé đang bận một việc dang dở và xin phép bạn thì bạn nên đồng ý. Nhân nhượng một chút, chính là cách rất tốt để dạy con tính kỷ luật.
9. Đừng ra lệnh
Không có gì gây khó chịu và kém hiệu quả hơn việc ra lệnh cho con làm gì đó, chỉ vì cha mẹ thấy mình là người trên, có quyền ra lệnh, con là người dưới, phải tuân lệnh.
10. Không xúc phạm khi mắng con
Nhiều bà mẹ, ông bố thường quá lời khi mắng con. Những từ ngữ xúc phạm, sỉ nhục hoặc làm trầm trọng hóa khuyết điểm của con, khiến đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức. Đôi khi, tội của cháu chỉ đáng một, cha mẹ nâng lên thành năm, thành mười. Cháu sẽ tức giận và đáp trả bằng cách không nghe lời.
5 cách phạt con không đòn roi làm trẻ nghe lời hơn
Những cách sau đây không những hiệu quả mà còn có tác dụng trong việc phát triển nhân cách của con. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trước khi có ý định trừng phạt, cha mẹ nên nói chuyện rõ ràng với con, như vậy việc trừng phạt mới có ý nghĩa và hiệu quả.
1. Tạm thời cách li
Sau khi trẻ đã bị cảnh cáo về hành động sai của mình, bé vẫn không chịu sửa đổi. Bạn có thể đưa trẻ ra một nơi khác, một vài phút sau mới quay lại tiếp tục làm công việc đó.
Ví dụ khi trẻ ăn cơm, nhưng lại vừa ăn vừa chơi, lúc đầu bố mẹ có thể nhắc nhở. Nếu nhắc nhở mãi mà trẻ ương bướng không nghe, hãy đưa trẻ ra khỏi phòng ăn, vài phút sau nói trẻ có thể quay lại tiếp tục ăn. Sau thời gian tạm thời cách li như vậy, trẻ sẽ tập trung ăn uống hơn.
Khi đưa trẻ ra căn phòng khác, bé sẽ phản ứng lại như khóc lóc, gắt gỏng, cáu kỉnh, ăn vạ và đây là phản ứng tâm lý bình thường. Bố mẹ cần giữ thái độ kiên quyết, bình tĩnh, ra mệnh lệnh dứt khoát.
Sau lần phạt đầu tiên, những lần sau trẻ sẽ quen và dễ chấp nhận hơn. Cũng có thể nói trước với trẻ về việc sẽ phạt trẻ theo cách như này. Trẻ được chuẩn bị tâm lý trước về việc thưởng phạt sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực của trẻ.
2. Phạt đứng góc
Chọn một góc cố định trong nhà để phạt trẻ đứng góc, khi con ồn ào, hiếu động hay nghịch ngợm quá mức. Trước khi phạt, cha mẹ cần giải thích rõ ràng lý do vì sao phạt con, thời gian phạt thường khoảng 10 - 15 phút. Khi hết giờ hãy để trẻ nhận lỗi sai của mình.
3. Tịch thu món đồ yêu thích
Khi trẻ ném đồ lung tung, vừa ăn vừa chơi, bố mẹ đầu tiên hãy khuyên con ngừng lại. Nếu như trẻ vẫn không nghe, bạn có thể dùng phương pháp dạy con không đòn roi này để phạt con. Lập ra quy ước lâu dài với trẻ rằng mắc lỗi gì thì sẽ bị tịch thu đồ, cho đến khi bé thừa nhận lỗi của mình.
4. Rèn luyện thái độ bản thân
Nếu như trẻ đánh, cãi nhau với bạn bè, người lớn chưa biết đúng sai nhưng thường vì tự trọng của mình mà bắt con xin lỗi bạn hoặc những phụ huynh bênh con chằm chặp sẽ lớn tiếng mắng đứa trẻ kia. Cả hai cách này đều không mang lại hiệu quả tích cực với sự phát triển của con.
Ép con xin lỗi sẽ khiến con không phục, bực bội thêm, nhất là khi sự việc vừa xảy ra, cảm xúc chưa lắng xuống. Ép bạn xin lỗi con sẽ khiến con tự đắc và tiếp tục có những hành động thô lỗ như vậy. Trường hợp này hãy để trẻ một mình.
Tốt nhất là yêu cầu con tự suy nghĩ về việc làm của mình trong khoảng 20 – 30 phút cho bình tĩnh rồi trở ra và nói rõ sự việc xem ai đúng, ai sai. Cách này sẽ khiến trẻ bình tĩnh hơn trong mọi tình huống và nhìn nhận khách quan sự việc.
5. Tước đoạt một số quyền lợi của trẻ
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có thể tạm thời bỏ đi những quyền lợi của trẻ một cách chính đáng, ví dụ thời gian xem ti vi mỗi ngày, hay cuối tuần đi công viên, đi đá bóng với bạn...
Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được trách nhiệm của mình khi làm sai. Hãy giải thích rõ ràng để trẻ không cảm thấy oán giận, tủi thân khi bị tước đi quyền lợi. Điều này đồng thời giúp con học cách kiềm chế, kiểm soát bản thân tốt hơn.
Không nên dùng cách bắt làm việc nhà hay viết chữ để phạt con. Việc nhà vốn là việc đương nhiên con phải tham gia. Nếu dùng đó là hình phạt, trẻ sẽ chán ghét việc nhà. Phạt viết chữ cũng tương tư, trẻ sẽ trút mọi bí bách, giận dữ lên từng con chữ, coi việc viết chữ là “kẻ thù”.
Phản ứng chung của bố mẹ khi con mắc lỗi là giận dữ, quát mắng và nói những lời thậm tệ, gây tổn thương đến con. Nếu vẫn giữ phản ứng như vậy, trẻ sẽ mãi mãi không học được gì và càng ngày càng nghịch ngợm vô phương cứu chữa.
Có thể thấy, các bậc phụ huynh nên ghi nhớ và áp dụng những nguyên tắc cũng như một số cách trong phương pháp dạy con không đòn roi. Việc này không những hạn chế được những tác dụng tiêu cực của cách dạy con cũ mà còn giúp trẻ học được một số bài học trong hành trình phát triển của trẻ.