Tôi về quê dự đám cưới cháu gái. Nhìn cháu đeo vàng, ai cũng ghẹo coi chừng gãy tay, gãy cổ. Cháu cũng hài hước lại rằng, nếu được đeo tới… nách, cháu càng thích. Cháu vừa nói vui, vừa rất thật. Một món quà giá trị, thực dụng là hành trang “vào đời” của những cô gái đi lấy chồng. Tôi đọc trong mắt cháu không chỉ có niềm hạnh phúc, mà còn sự hãnh diện.
Ở đám cưới, cha của cháu nói về ý nghĩa chiếc nhẫn cưới, về sự nhẫn nhịn của không chỉ người vợ. Tôi cho rằng, đó là lời nhắn gửi khéo léo, vì xưa nay người ta mặc định nhẫn nhịn là… nhiệm vụ của phụ nữ, cứ “cơm sôi” thì phải “nhỏ lửa”. Ngay lúc đó, có người quay sang nhìn tôi nói: “Nhẫn nhịn cỡ mợ Thanh (là tôi) là cùng”. Tôi không thắc mắc đó là lời khen hay lời chê.
Chồng tôi, phải công nhận anh ấy còn vài điểm yếu mang tính bản chất, trong ứng xử còn thiếu tinh tế, điều này không được lòng ngay cả với anh chị em ruột. Dù chồng tôi chưa phải người đàn ông hoàn hảo, nhưng tôi vui vẻ chấp nhận sự thật đó. Tôi cho rằng, tôi không phải là người “nhẫn nhịn đến thế là cùng” như nhận xét trên. Nếu như trong gia đình, anh hay dạy bảo, quát nạt đám cháu, thì với tôi, anh cư xử khéo léo hơn. Với con cái, lúc nào anh cũng tỏ ra là ông bố kiểu… ông kẹ, nhưng với vợ thì mềm mỏng. Anh ấy hiểu rằng, tôi không chấp nhận người chồng lớn tiếng, hung dữ.
Tôi có thể chấp nhận người chồng có thu nhập không cao, nhưng phải biết yêu thương vợ. Anh ấy từng làm tôi buồn, tôi khóc, chúng tôi thỉnh thoảng giận nhau nhiều ngày, nhưng anh chưa bao giờ lừa dối tôi. Anh ấy nhẫn nhịn, độ lượng với tôi, làm sao tôi không thể nhẫn nhịn, độ lượng với anh ấy? Phụ nữ nhẫn nhịn, chẳng có gì sai. Nhẫn nhịn nhưng đừng cam chịu, đó là nguyên tắc sống của tôi.
Sau đám cưới, cháu gái tôi bê nguyên tin nhắn của người họ hàng lên Facebook: “Hãy là người vợ tốt, sống khéo léo để giữ gìn và tận hưởng hạnh phúc nha cháu”. Dòng trạng thái trở thành một diễn đàn. Có người cho rằng, phụ nữ sống khéo là phải biết sử dụng chiêu trò. Người thì nói đàn bà khôn là phải biết làm cho mình hạnh phúc. Nhưng tôi đặc biệt thích “còm” của cha cháu. Hẳn ông ấy đã rất xúc động nên mới viết rằng: “Cảm ơn lời dạy bảo của cô. Mấy lời này coi như cô đã trao cho cháu thêm một món quà. Lời chúc đáng giá ngàn vàng, sẽ tiếp thêm sức mạnh trên hành trình đi tìm hạnh phúc của cháu”.
Trước khi vào lại Sài Gòn, tôi dặn cháu, vàng cưới, cháu tùy nghi sử dụng, nhưng nhẫn cưới thì phải giữ, nên đeo, bởi nhẫn cưới là vị thần bảo hộ hạnh phúc gia đình, là biểu tượng của lòng chung thủy, của tình yêu mà cả hai đã dày công vun đắp.
Hôm trước, khi họ nhà gái ra về, tôi đã ôm mẹ chồng cháu và có mấy lời gửi gắm, nhờ chị tiếp tục dạy bảo để cháu trưởng thành hơn. Nhưng chị cười rồi nói “thời buổi này mà dạy dỗ gì nữa”. Tôi hiểu ý chị, kiểu như mẹ chồng thời nay không còn khắt khe như thời xưa; con dâu thời nay tự chủ, mạnh mẽ hơn thời xưa. Nhưng về nhà, tôi không kể cháu nghe. Tôi không muốn cháu ỷ lại lời mẹ chồng rồi tỏ ra ương ngạnh. Phận dâu con, kiểu gì cũng phải lễ phép, hiếu thảo.
Quà cưới có thể là kim cương, nhẫn vàng, tiền bạc, nhưng có một thứ quà vô giá là những lời dặn dò, chúc phúc dành cho con trẻ vừa bước vào cuộc sống lứa đôi. Giai đoạn đầu của hôn nhân, có thể người trẻ đang say sưa với hạnh phúc, cho nên lời chúc, lời nhắc nhở, như một sự dặn dò, cảnh tỉnh.