Không ít người vẫn nghĩ, lấy chồng nước ngoài khác gì… mất tích. Khi Thúy Vy (32 tuổi) thông báo sẽ cưới Việt kiều Mỹ, gạt qua mọi lời bàn lùi, cô rất tự tin. Ai mất tích, chứ cô là phóng viên giỏi giang, năng động, biết tiếng Anh, đâu dễ chìm nghỉm nơi xứ người.
Nhưng nước Mỹ luôn là giấc mơ quá lớn đối với những cô dâu Việt. Vy chia sẻ rằng, chồng cô nói vợ cứ yên tâm học tiếng Anh cho giỏi để lấy bằng về truyền thông, nhưng quả thật tham vọng làm nghề truyền thông trên đất Mỹ quá xa vời. Vy mau chóng nhận ra, việc cô tìm kiếm điều gì ở cuộc hôn nhân xa xứ này quan trọng hơn là tìm kiếm một sự nghiệp khi đã không còn trẻ. Cuối cùng, cô quyết định theo nghề nail, để không rơi vào cảm giác bị cả thế giới bỏ rơi.
Việc học và đi về tiệm nail giúp Vy hòa nhập với người Mỹ. Cô góp nhặt rất nhiều câu chuyện mình nghe, thấy, hiểu để chia sẻ trên một group của người Việt. Cô nói, sự kết nối và tương tác trên các diễn đàn mạng khiến cô thấy mình gần gũi với cộng đồng người Việt, với bạn bè người thân và vui vẻ trở lại.
Ban đầu, Thanh Sang là phiên dịch viên cho công ty của một người Nhật tại Sài Gòn. Tình yêu với ông chủ nảy sinh, họ kết hôn và cô gật đầu qua Nhật sống với gia đình chồng vì anh là con một trong nhà. Bốn năm đầu tiên là chuỗi ngày khó khăn khi cô chỉ ở nhà với bố mẹ chồng, bởi chồng cô luôn đi về giữa Việt Nam và Nhật. Gia đình chồng là những người Nhật nhân hậu, nhưng họ sống khép kín và nền nếp. Dù biết tiếng Nhật và được bố mẹ chồng tôn trọng, Sang vẫn thấy mình như cô Ô-sin vô dụng trong nhà. Quanh năm chỉ nấu nướng, dọn dẹp và chăm con, quanh quẩn chờ ngày chồng về. Cô buồn chán đến mức trầm cảm.
Từ mạng Facebook, Sang giữ liên lạc với một vài người bạn Việt Nam, chính sự trao đổi động viên của bạn bè khiến cô thấy mình không phù hợp với cuộc sống cô dâu Nhật. Cô đề nghị với chồng được làm việc trở lại cùng anh. Vợ chồng sẽ cùng đi về giữa Nhật và Việt Nam để vẫn chăm sóc được bố mẹ chồng và cô được kết nối với nhà ngoại.
Cô tìm được cho con môi trường giáo dục tốt ở Sài Gòn và dần dần, Sài Gòn đã trở thành ngôi nhà thứ nhất của hai vợ chồng. Sang nói, nếu ngày xưa cô cứ ôm con ở nhà tự bọc mình trong vỏ kén trầm cảm, có lẽ ngay cả con cô cũng không thể phát triển tốt với một người mẹ bất bình thường.
Cuộc sống ở một đất nước xa lạ không bao giờ dễ dàng. Chị Thu Hồng - chủ một group bán online hàng Mỹ - chia sẻ: “Tự tin rằng mình là người độc lập, vững vàng, nhưng tôi mất đến 4-5 tháng khóc một mình vì chỉ quanh quẩn nấu nướng, dọn dẹp, nghĩ cách tiết kiệm chi tiêu và chờ hoàn thành các loại giấy tờ”. Cái khó nhất của cô dâu xứ người là không để bản thân gục ngã, không để cảm giác vô dụng hay vỡ mộng xâm chiếm, không để sự trách móc bào mòn tình cảm vợ chồng.
“Nếu bạn đã từng là cô gái văn phòng là lượt kiêu hãnh, qua Mỹ bạn vẫn có thể tận dụng khả năng biết chọn hàng hóa tốt để “bán hàng xuyên lục địa”. Nhờ vậy mà thiết lập những cộng tác viên, tạo nhịp cầu với bạn bè, bà con ở Việt Nam, vừa độc lập tài chính lại có thời gian đi học.
Cũng như Thu Hồng, cô dâu nước Bỉ tên Thanh Midori chọn kênh online trong cộng đồng người Việt ở Bỉ để thể hiện tài nấu nướng. Kết nối với mọi người trong thành phố, cô rao những món ăn Việt Nam đơn giản dễ làm và hẹn giao hàng vào cuối tuần. Công việc nấu nướng này giúp cô bớt buồn tẻ và thêm thu nhập.
“Đừng để mình là cô dâu xa xứ “biết đâu mà về”, hãy luôn tỉnh táo giữ sự kết nối với quê hương, với bạn bè, gia đình để thấy mình không chỉ có một chỗ dựa là chồng” là cách để vượt qua những tháng ngày cô độc trên đất khách - chị Hồng liên tục nhắc cô em gái đang khăn gói chuẩn bị xuất cảnh theo anh chồng Đài Loan…