Ngày 23/5, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây trung tâm tiếp nhận khá nhiều người mắc thủy đậu phải nhập viện, trong đó có trường hợp biến chứng nặng, thậm chí đã có ca tử vong.
Bệnh nhân T.V.H (32 tuổi, ở Hải Dương) tiền sử rất khỏe mạnh, nhưng đã không qua khỏi chỉ sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng. Theo thông tin từ gia đình, trước khi anh H tử vong, con trai anh vừa được điều trị khỏi thủy đậu vài ngày.
Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện những nốt phỏng trên trán, rồi lan xuống ngực. Anh đến phòng khám tư khám và được cho thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. 2 ngày sau, bệnh nhân khó thở và đi khám ở bệnh viện tại địa phương nhưng được chẩn đoán không phải mắc thủy đậu.
2 ngày tiếp đó, do triệu chứng ngày càng nặng, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, rồi tiếp tục được chuyển tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Bác sĩ Cường cho biết, bệnh nhân khi vào viện được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, viêm gan cấp, giảm tiểu cầu trên nền mắc thủy đậu. Tình trạng diễn biến nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê, viêm não-màng não, mất ý thức, xuất huyết vì tiểu cầu giảm, nhịp tim nhanh, viêm cơ tim.
"Các triệu chứng tiến triển rất nhanh, chưa đầy 12 giờ kể từ khi vào viện bệnh nhân đã tử vong, dù các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa", PGS Cường chia sẻ.
Theo bác sĩ Cường, bệnh nhân này tử vong do chủ quan không đến viện ngay, ngoài ra còn do không được chẩn đoán chính xác bệnh từ sớm để có hướng điều trị phù hợp nên đã bị biến chứng. “Bệnh nhân còn rất trẻ, không có bệnh nền nhưng lại tử vong do thủy đậu là điều rất đáng tiếc và đáng buồn. Trước đó bệnh nhân cũng chưa từng tiêm vắc xin”, PGS Cường chia sẻ.
Bác sĩ Cường thông tin, dịp này, trung tâm cũng đang điều trị cho hai nữ bệnh nhân khá nặng, gồm một thai phụ và một phụ nữ trẻ có tiền sử dùng thuốc corticoid.
“Các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với người khỏe mạnh cũng không nên chủ quan, khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc”, bác sĩ Cường cảnh báo.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, thủy đậu là bệnh lành tính, khi mắc có thể điều trị bằng thuốc bôi hoặc dùng thuốc uống theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Đây là bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bằng cách tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh.
“Hiện vắc xin phòng bệnh rất sẵn, trẻ nhỏ, người lớn hoàn toàn có thể tiêm phòng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan hoặc vì giá cả vắc xin đắt đỏ (khoảng 700.000 đồng/liều) nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này rất nguy hiểm”, PGS Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định.
Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.