Ốc luộc là món ăn yêu thích của nhiều người. Không chỉ là món ăn vặt mà ốc luộc cũng mang lại nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được món này. Dưới đây là những tác dụng của món ốc luộc cũng những người không nên ăn ốc luộc.
Tác dụng của ốc
Bài viết của BS Mai Hương trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, thường ngày chúng ta sử dụng ốc làm thực phẩm để chế biến các món rất ngon. Bên cạnh đó ốc còn được sử dụng làm thuốc.
Ốc nước ngọt còn gọi là ốc đồng, ốc vàng, danh oa. Theo quan niệm y học cổ truyền thịt ốc tính hàn, vị ngọt, thành phần chủ yếu là chất đạm, mỡ, cacbua hydrrat, canxi, photpho, sắt, các sinh tố B2, PP, A..
Đông y dùng ốc luộc để chữa vàng da, phù thũng, bệnh gan, trĩ. Bạn cũng có thể chế biến ốc thành nhiều món ăn rất tốt cho sức khoẻ.
Một số món ăn bổ dưỡng từ ốc như sau:
- Ốc hấp lá gừng: Thịt ốc băm kỹ, trộn với giò sống, cuốn một vòng lá gừng non, nhồi vào vỏ ốc, hấp cách thuỷ. Sự kết hợp giữa tính hàn của ốc và tính nóng của gừng giúp duy trì sự cân bằng cho cơ thể, bồi bổ thêm nhiều chất dinh dưỡng, làm tăng cường sức khỏe bền lâu.
- Canh ốc bươu lá vang: ốc bươu 500g, lá vang 100g. Cho vào nồi nấu cùng ớt hiểm, khế chua. Nêm gia vị vừa ăn. Món ốc này là phương thuốc giúp phục hồi sức khoẻ nhanh chóng, khí huyết thông suốt.
- Ốc nấu giả ba ba: Nấu như món ốc bung cùng thịt ba chỉ, chuối xanh, đậu phụ nướng, thêm tía tô... Thực phẩm này có tác dụng làm ấm người, dưỡng huyết, bổ âm, ích vị, thông khí, chữa suy nhược cơ thể.
- Ốc bươu củ chuối: ốc bươu 1kg, thịt lợn ba chỉ 300g, mẻ chua 100g. Đậu rán 300g, củ chuối hột (chuối chát) non 300g, nghệ (giã, vắt nước), khế, bạc hà, hành, tỏi, gia vị lượng vừa đủ.
Bạn cần ngâm ốc cho ra hết nhớt, rửa sạch, khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt heo thái mỏng, ướp ốc và thịt với mẻ chua, nước nghệ. Bạc hà tước vỏ, thái lát, bóp muối. Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho hết nhựa. Phi thơm hành, tỏi cùng dầu ăn, đổ thịt ốc đã ướp vào xào săn.
Bạn cho bạc hà, thịt ba chỉ và ít nước dùng và nấu cho chín mềm. Sau cùng cho đậu rán vào trộn đều, nêm nếm vừa ăn. Món này ăn có tác dụng giải độc, hỗ trợ trị đái tháo đường (làm giảm cảm giác khát nước, đói bụng), trừ thấp nhiệt.
- Ốc bươu áp lửa: Ốc nấu chín trong nước; cây sả đập dập hòa gia vị, đổ nước hỗn hợp gia vị vào miệng ốc, nướng cạn trên bếp than hồng, giúp cho vị ốc dai giòn, thơm đậm, bổ dưỡng .
- Ốc xào rượu: Có thể xào ốc với khế, rượu, chấm với xì dầu trộn lẫn gừng băm nhỏ và mì chính. Nước ốc có lẫn rượu có thể trút ra cốc để uống cùng món nhắm. Món ốc này có tác dụng ích thận, tráng dương, thanh nhiệt, lợi tiểu.
- Giò ốc: Ốc luộc chín, khêu phần miệng, xào với tiêu, gừng, mì chính, mộc nhĩ, nấm hương và thịt thủ lợn, để nguội rồi gói trong khuôn sắt lót lá chuối. Giò ốc nén càng chặt càng ngon. Sau khi luộc giò, bỏ khuôn sắt, lại bó thanh giò bằng 8 thanh tre cật cho thật chặt.
Ngoài ra, người xưa dùng giò ốc để trị chứng hoàng đản, thần kinh suy nhược, khí huyết không đủ, phù thũng, lao hạch.
Những người không nên ăn ốc luộc
Tuy ốc luộc tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn ốc. Báo VnExpress dẫn lời phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ốc tuy ngon bổ nhưng bạn chỉ nên ăn ốc trung bình 1-2 lần một tuần. Ngoài ra những người dưới đây nên hạn chế ăn ốc:
Người bị gout, viêm khớp
Ốc nhiều protein nên những người bị gout, viêm khớp cần hạn chế. Natri trong ốc cũng khiến bệnh tiểu đường, thận trở nên trầm trọng. Những người bị ho, hen nên tránh ăn hải sản.
Người có tiền sử bị dị ứng hải sản
Người có tiền sử bị dị ứng với hải sản nói chung và ốc nói riêng thì không nên ăn ốc vì rất dễ bị đau bụng, nổi mề đay, ngứa ngáy, khó chịu.
Người bụng yếu hoặc mới ốm dậy
Ngoài ra, khi bụng không được khỏe, vừa bị tiêu chảy hoặc mới ốm dậy thì không nên ăn ốc có thể gây hại cho đường ruột dẫn đến khó tiêu, đi ngoài...
Trên đây là những người được khuyến cáo không nên ăn ốc. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa ốc nhé.