Việc một nốt ruồi bất ngờ xuất hiện đôi khi không khiến chúng ta phải quá để tâm dù chúng phần nào ảnh hưởng tới vẻ ngoài. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra sau một khoảng thời gian dài tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đó có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư da nguy hiểm.
Đặc điểm của nốt ruồi báo hiệu ung thư
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An, chúng ta cần lưu ý những sự thay đổi bất thường của nốt ruồi, tránh bỏ sót triệu chứng sớm của ung thư da.
Cụ thể, bệnh nhân nên xem xét kỹ những dấu hiệu như xuất hiện nốt ruồi mới, kích thước lớn dần theo thời gian, ngứa, chảy máu. Việc kiểm tra nên được thực hiện ở mọi khu vực trên cơ thể, nhất là da đầu, vùng sau và dưới cánh tay.
Trong khi đó, tại bệnh viện, các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra những nốt ruồi này để tầm soát ung thư theo quy tắc ABCDE:
A - Asymmetry (Không cân đối): Một nốt ruồi khi chia đôi, hai phần nốt ruồi không giống nhau.
B - Border (Đường viền): Nốt ruồi có đường viền mờ, không rõ nét hoặc lởm chởm như răng cưa.
C - Color (Màu sắc): Những thay đổi ở nốt ruồi như màu sắc đậm hơn, mất màu hay xuất hiện màu đỏ, xanh, trắng, hồng, tím hoặc xám.
D - Diameter (Đường kính): Nốt ruồi có đường kính lớn hơn 6 mm.
E - Evolving (Độ lồi): Nốt ruồi lồi trên da và có bề mặt không đều.
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, những tế bào này có nguy cơ nhất định về ung thư hóa.
Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất, tỷ lệ 13%. Bên cạnh đó, ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,... nốt ruồi cũng được xem là nguy hiểm vì có thể tiến triển thành ung thư.
Các nốt ruồi ở vị trí khác khi có sự thay đổi nhất định cũng trở thành dấu hiệu cảnh báo ung thư:
- Thay đổi về kích thước: Những nốt ruồi bẩm sinh nhưng lớn nhanh hơn sự phát triển của cơ thể.
- Thay đổi về màu sắc: Đang đậm chuyển nhạt, đang nhạt chuyển đậm hoặc chuyển loang lổ, xuất hiện thêm màu khác.
- Thay đổi về bề mặt: Nốt ruồi đang nhẵn nhụi, nhô hẳn lên.
- Thay đổi về ranh giới: Nếu đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, khác thường với các nốt ruồi khác, đó cũng có thể là cảnh báo ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác viêm, chảy máu, loét ngứa,... từ nốt ruồi, cũng cần lưu ý đến nguy cơ ung thư.
“Đó là những dấu hiệu báo trước. Lúc này, người dân rất cần đến khám bác sĩ. Để điều trị ung thư từ nốt ruồi, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ nốt ruồi. Ngoài ra, nếu chúng xuất hiện ở các vị trí nguy cơ như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,... cũng được khuyến cáo nên loại bỏ sớm nhất có thể”, thạc sĩ Sơn cho hay.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da
Phơi nắng được đánh giá là nguyên nhân lớn nhất gây ung thư da. Tuy nhiên, bệnh lý này cũng xảy ra ở những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ những nguyên nhân như tiếp xúc với môi trường độc hại, bức xạ hoặc di truyền.
Theo các chuyên gia này, ung thư da có nguy cơ cao xuất hiện ở những người có:
- Làn da hoặc đôi mắt sáng màu
- Có nhiều nốt ruồi lớn và hình dạng không đều trên cơ thể
- Tiền sử gia đình bị ung thư da
- Có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều hoặc bị cháy nắng
- Sống ở những vùng cao và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quanh năm
- Từng điều trị bức xạ
Để giảm nguy cơ ung thư da, người dân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với các tia cực tím từ mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, khi tia nắng mặt trời mạnh nhất.
Khi ở ngoài trời, chúng ta nên thoa kem chống nắng phổ rộng với SPF từ 30 trở lên (bôi cả môi và tai), đội mũ, đeo kính râm và mặc quần áo chống nắng.
Nếu nhận thấy những thay đổi trên làn da như sự phát triển mới hay xuất hiện của nốt ruồi hoặc vết loét không lành, chúng ta cần đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám và có biện pháp xử lý sớm.