Theo PGS.TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ung thư gan là một trong những căn bệnh nguy hiểm phổ biến trên thế giới.
Trong giai đoạn đầu, bệnh có diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ rệt khiến người bệnh chủ quan, phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao.
Dấu hiệu mơ hồ
PGS.TS Bùi Hữu Hoàng chia sẻ một trường hợp đến khám tại đơn vị với những dấu hiệu như đau nhói vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ không giảm và xuất hiện vàng da nhẹ.
Sau khi siêu âm chẩn đoán kết hợp xét nghiệm AFP và chụp cộng hưởng từ (MRI), bác sĩ kết luận người đàn ông bị ung thư gan. Khối u kích thước 3,9 cm và có dấu hiệu di căn.
"Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ phần gan mang khối u kết hợp điều trị bằng thuốc ngăn ngừa di căn phát triển. Sau mổ, bệnh nhân khỏe mạnh nhưng vẫn cần được theo dõi sát và tái khám định kỳ", PGS Hoàng nói.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam, ung thư gan ở nam giới có tỷ lệ người mắc cao thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, triệu chứng ung thư gan thường không biểu hiện cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Ở giai đoạn sớm, người mắc có thể gặp triệu chứng ở bệnh viêm gan mạn hoặc xơ gan như chán ăn, đau tức hạ sườn phải, chướng bụng, vàng da, củng mạc mắt...
Ở giai đoạn muộn, người bị ung thư gan có biểu hiện rõ ràng hơn như sụt cân liên tục, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, ngứa, đi ngoài phân trắng/bạc màu...
Nhóm nguy cơ cao
PGS.TS Bùi Hữu Hoàng cho biết ung thư gan có 2 dạng, ung thư gan nguyên phát (tế bào gan trở nên bất thường) và ung thư gan thứ phát (tế bào ung thư ở bộ phận khác đi vào gan).
Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng mô liền kề và có thể lan sang các vùng khác của gan, thậm chí là các cơ quan khác ngoài gan.
Chuyên gia chỉ ra những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan là nhóm có bệnh gan mạn tính như viêm gan B, viêm gan C mạn tính và xơ gan. Với người có bệnh xơ gan, khả năng 80-90% diễn tiến ung thư gan.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng có nguy cơ cao như tiền sử gan nhiễm mỡ, đái tháo đường type II hoặc do các yếu tố di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá…
Ung thư gan thường khó được phát hiện sớm trong giai đoạn đầu. Phương pháp tầm soát phát hiện sớm là siêu âm chẩn đoán hình ảnh kết hợp xét nghiệm đo nồng độ AFP trong máu, nội soi ổ bụng, sinh thiết, X-quang cắt lớp và chụp cộng hưởng từ.
Với người được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn đầu, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư, cho biết có thể điều trị triệt để bằng cách đốt khối u bằng sóng cao tần (khi kích thước khối u nhỏ hơn 3 cm), phẫu thuật loại bỏ phần gan mang khối u và phẫu thuật ghép gan.
Tuy nhiên, khi bệnh tiến đến giai đoạn tiến xa hơn, người bệnh sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị toàn thân, từ hóa trị đến liệu pháp nhắm trúng đích (ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư), liệu pháp miễn dịch (kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể tự tiêu diệt tế bào ung thư), liệu pháp kháng sinh mạch máu (ức chế sự phát triển các mạch máu ở khối u).
Các chuyên gia nhấn mạnh việc lựa chọn phương pháp điều trị được cân nhắc dựa trên sức khỏe, chức năng gan, mức độ xơ gan và tình trạng ung thư.