Nguy kịch vì bị sốc nhiệt
Những ngày đầu tháng 6 nắng nóng, các bác sĩ của khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiệt.
Bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Có bệnh nhân được bác sĩ sử dụng máy hồi sức tim phổi nhân tạo hay còn gọi là ECMO nhưng vẫn không thể cứu được.
Với bệnh nhân sốc nhiệt, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc bệnh nhân sống được cũng để lại di chứng nặng nề.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương quân đội 108, riêng khoa này có 3 bệnh nhân phải chạy ECMO do sốc nhiệt trước đó. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của sốc nhiệt như thế nào. Những ngày qua, Hà Nội được dự báo như một “chảo lửa” vì thế nguy cơ sốc nhiệt càng cao.
Bác sĩ Nga cho biết sốc nhiệt có thể xảy ra với bất cứ ai đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính thì nguy cơ sốc nhiệt càng cao hơn người bình thường.
Ở nhiệt độ ngoài trời quá lâu tốc độ sinh nhận nhiệt vượt quá khả năng của cơ thể đào thải nhiệt. Sự tiến triển thành sốc nhiệt và tổn thương cơ quan đích có liên quan tới đáp ứng sinh lý của tăng nhiệt độ, ngộ độc nhiệt trực tiếp và đáp ứng viêm gây nên tình trạng sốc nhiệt.
Theo bác sĩ Nga, dấu hiệu để nhận biết sốc nhiệt là người làm việc ngoài trời nắng quá lâu, đi ngoài trời nắng nếu gặp các triệu chứng như xuất hiện ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật. Người bệnh cảm giác thân nhiệt nóng, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất.
Một vài trường hợp có thể vã mồ hôi. Mặc dù không ra mồ hôi là triệu chứng kinh điển nhưng chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn của say nắng.
Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt
Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan trừ tuỵ. Ở cơ quan tim mạch, sốc nhiệt gây nhịp nhanh xoang, tụt HA, thay đổi ST-T, tăng men tim, thủng cơ tim. Ở cơ quan hô hấp, tình trạng sốc nhiệt gây phù phổi, sặc, kiềm hô hấp và ARDS.
Sốc nhiệt gây ra tình trang tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp.
Ngoài ra, sốc nhiệt còn gây hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu, rối loạn đông máu, DIC.
Nhiều trường hợp sốc nhiệt còn gây ra tình trạng liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn.
Đặc biệt, biến chứng sốc nhiệt gây suy gan do tế bào gan bị hoại tử. Nhiều trường hợp tử vong do suy gan sau khi sốc nhiệt.
Theo bác sĩ Nga việc nhận ra và biết cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt rất quan trọng. Nó quyết định tỷ lệ sống – chết của người bệnh. Chính vì thế, khi có hiện tượng người mệt, chóng mặt, đau đầu, người đi đường nên nhanh chóng tìm nơi thoáng mát để nghỉ ngơi, làm mát cơ thể.
Còn với những nạn nhân bị nặng hơn, những người xung quanh nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Cần sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương đích có thể làm mát bằng tay như quạt mát, làm mát bằng hơi nước và cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm sau đó dùng quạt thổi.
Một vài người lấy nước đá hoặc nhúng bệnh nhân vào bể lạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Nga cho rằng phương pháp này có hiệu quả nhanh nhưng có nhiều biến chứng như gây co mạch ngoại biên, dễ gây hạ thân nhiệt quá mức cho người bệnh.
Để đề phòng sốc nhiệt, bác sĩ khuyến cáo hạn chế ra đường trong những ngày thời tiết nắng nóng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính. Với những trường hợp làm việc ngoài trời nắng cần có các biện pháp che nắng, mặc quần áo thoáng mát, tỏa nhiệt. Uống đủ nước và điện giải nếu làm việc ngoài trời nắng quá lâu.