Măng là một trong những loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn gia đình người Việt. Nhiều người thắc mắc ăn măng có bị ngộ độc không. Nếu chế biến không đúng cách, măng có thể khiến bạn bị ngộ độc. Dưới đây là những lưu ý khi chế biến cũng như ăn măng.
Hạn chế ăn măng chưa ngâm đủ thời gian
Măng tươi có chứa cyanide, sẽ bị enzyme ở hệ tiêu hóa chuyển hóa thành axit cyanhydric (HCN), gây ngộ độc.
Theo nghiên cứu, mỗi cân măng tươi chứa khoảng 230 mg cyanide. Tuy nhiên, nếu luộc và ngâm măng lâu ngày sao cho ngả màu vàng và có mùi chua thì hàm lượng cyanide đã giảm còn khoảng 9 mg mỗi ký. Do đó, nếu ăn măng chưa qua ngâm sẽ dễ bị ngộ độc.
Ngộ độc khi ăn măng tươi thường có các biểu hiện: Chóng mặt, rối loạn ý thức, đau đầu, buồn nôn,... Trong trường hợp nặng, bệnh nhân bị khó thở, tụt huyết áp, giãn đồng tử,... Khi gặp phải các triệu chứng trên, nên đi đến trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.
Hạn chế ăn măng khi bị đau dạ dày, sỏi thận
Măng giàu chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa, có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, người bị đau dạ dày nên hạn chế ăn măng để tránh dạ dày phải làm việc cật lực hơn. Đồng thời, một số độc tố trong măng còn gây kích ứng dạ dày, khiến bạn dễ bị nôn mửa, đầy hơi.
Ngoài ra, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển cũng nên hạn chế ăn măng tươi. Nguyên nhân là nguồn axit oxalic trong măng sẽ tác động đến khả năng hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể. Axit oxalic trong măng tươi kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành axit oxalic canxi khiến bệnh sỏi thận trở nên trầm trọng hơn.
Chế biến măng đúng cách
Chế biến măng đúng cách sẽ giúp bạn có bữa ăn ngon miệng và an toàn. Trước khi chế biến, nên ngâm măng tươi bằng nước muối, luộc kỹ. Tốt nhất, nên hạn chế ăn măng tươi sống.
Khi luộc măng, nên ngâm với nước sạch để qua đêm, loại bỏ bớt độc tốt. Trong quá trình luộc, bạn nên đun lửa vừa và mở nắp xoong, măng mềm thì tắt lửa. Sau đó, vớt măng ra, để nguội, lột vỏ già rồi xả lại với nước nhiều lần.