1. Niềng răng có lợi ích gì?
Niềng răng là một kỹ thuật nha khoa giúp chỉnh sửa những chiếc răng mọc lệch lạc, răng thưa, răng mọc chen chúc, vẩu, móm, khấp khểnh… nhằm mang lại cho bạn một hàm răng chắc, cân đối và đều đặn.
Đối với trẻ em, việc được chẩn đoán những bất thường về răng và khớp cắn và niềng răng sớm sẽ giúp cho xương được phát triển thuận lợi hơn, khiến cho giai đoạn niềng răng khi đã trưởng thành cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, có thể hạn chế được các phẫu thuật chỉnh hình sau này.
Trong nhiều trường hợp nếu răng bị mọc lệch lạc, tổn thương khớp cắn làm ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai, giọng nói, phát âm không chuẩn thì niềng răng đúng cách sẽ giúp khắc phục những ảnh hưởng này, giảm sự mài mòn men răng, các vấn đề về hàm và cải thiện hiệu quả về mặt thẩm mỹ.
2. Những lưu ý khi niềng răng
Theo BSCKI Lê Thế Cường, chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, niềng răng đúng cách cần trải qua nhiều giai đoạn, bạn cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám tổng quát, chụp phim và đánh giá tình trạng răng cũng như xương hàm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Người niềng răng cần tuân thủ các quy trình và thăm khám đều đặn để bác sĩ kiểm tra và có biện pháp điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, bạn cần thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh răng miệng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Về chế độ ăn uống, cần lưu ý ăn thức ăn mềm, nên cắt nhỏ thức ăn, tránh gặm xương hay thức ăn thô, cứng, thức ăn có độ dính, dai và thực phẩm có nhiều đường…
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bạn niềng răng
Thực phẩm nên ăn
Niềng răng không đau nhưng miệng của bạn có thể nhạy cảm trong những ngày đầu sau khi niềng răng. Cảm giác mới niềng răng cũng khiến bạn cảm thấy hơi khó khăn khi nhai. Vì vậy trong vài ngày đầu bạn chỉ nên ăn các loại thức ăn mềm như cháo, súp, món hầm, sữa chua, phô mai mềm, trái cây mềm…
Độ nhạy cảm sau khi niềng răng sẽ cải thiện sau vài ngày hoặc 1 tuần. Sau đó bạn có thể tiếp tục ăn uống bình thường nhưng nên tránh các thực phẩm có thể ảnh hưởng đến răng miệng và dụng cụ niềng răng của bạn.
Thực phẩm nên tránh
- Thực phẩm dai, dính như kẹo dẻo, kẹo cao su
- Thực phẩm giòn như bỏng ngô và bánh quy
- Thức ăn cứng như các loại hạt, kẹo cứng, xương, gân
- Vỏ bánh pizza, khoai tây chiên
- Thức ăn lạnh như kem, nước đá
- Thực phẩm có đường như bánh ngọt, mứt, kẹo mút, soda, nước trái cây thêm đường, nước tăng lực…
Ăn những thực phẩm này có thể khiến bạn bị gãy mắc cài. Khi đó bác sĩ chỉnh nha phải sửa lại niềng răng của bạn, điều này có thể tốn thêm chi phí và kéo dài thời gian bạn đeo niềng răng.
Người niềng răng không nên ăn kẹo dẻo chứa nhiều đường.
Thực phẩm có đường có thể dẫn đến sâu răng và răng đổi màu. Khi đường trộn với nước bọt, nó sẽ tạo ra một lớp màng dính bao phủ răng (còn được gọi là mảng bám). Mảng bám răng hình thành khi vi khuẩn trong miệng được trộn với thức ăn và đồ uống có đường hoặc tinh bột. Vi khuẩn trong miệng, axit và carbohydrate từ thức ăn hoặc đồ uống trộn lẫn với nhau và tạo thành mảng bám trên răng.
Nếu mảng bám không được loại bỏ nó có thể khiến men răng bị hư hại và cuối cùng gây ra sâu răng. Đánh răng có thể loại bỏ mảng bám, nhưng việc này trở nên khó thực hiện hơn khi bạn niềng răng. Điều đó càng làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm nướu.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, đồ uống có đường ăn mòn răng của bạn. Thường xuyên tiêu thụ đồ uống có gas có tính axit như soda và đồ uống thể thao được coi là yếu tố chính gây xói mòn răng và có thể dẫn đến những tổn thương răng không thể phục hồi.