Thông thường, tùy vào từng đối tượng giao tiếp mà bạn có những cách cư xử khác nhau. Nhưng khi có sự thay đổi một cách bất thường về tính cách với các trạng thái đối lập, chẳng hạn như vừa dịu dàng đó đã chuyển sang nóng nảy, vừa bao dung đó lại trở nên ích kỉ đến không ngờ,... Rất có thể bạn mắc phải bệnh đa nhân cách mà không hề biết.
Vậy làm thế nào để trong cùng một con người lại tồn tại nhiều suy nghĩ và nhân cách khác nhau? Căn bệnh kỳ lạ này có những biểu hiện gì, nó có thực sự nguy hiểm và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh đa nhân cách là gì?
Rối loạn đa nhân cách hay còn gọi là đa nhân cách (Multiple Personality Disorder - MPD) là một căn bệnh hiếm gặp được rất nhiều chuyên gia tâm lý quan tâm. Chứng bệnh này còn được gọi là rối loạn tách rời nhận thức với tên tiếng Anh là Dissociative Identity Disorder - DID.
Có thể bạn đã từng trải qua những phút giây mơ màng, không còn nhận thức được những gì xảy ra và tách biệt với thế giới xung quanh khi làm việc quá căng thẳng. Bệnh đa nhân cách cũng tương tự như vậy nhưng nghiêm trọng hơn. Đây là một chứng bệnh rối loạn tâm lý khiến bạn mất đi sự kết nối với suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động và nhân cách của chính mình.
Người bệnh đa nhân cách thường gặp phải những tổn thương nặng nề, những trải nghiệm bạo lực đau đớn trong cuộc sống. Từ đó, họ đã bảo vệ bản thân bằng cách tách mình ra khỏi thực tại và tạo nên những bản thể khác nhau thay mình giải quyết những căng thẳng, đau buồn đó. Các bản thể này chỉ là một mảng tích cách rời rạc mà ngay cả bản thể chính còn không biết đến sự hiện diện của chúng.
Những bản thể khác nhau được tạo ra thường có tuổi, có giới tính, thậm chí là có chủng tộc riêng. Mỗi bản thể lại có cử chỉ, hành động, lời nói đặc trưng riêng. Bên cạnh những bản thể là người, thì bệnh nhân đa nhân cách còn có thể có những bản thể là động vật.
Quá trình một bản thể chiếm quyền kiểm soát hành vi và suy nghĩ của người bệnh gọi là sự chuyển đổi. Việc này diễn ra khoảng vài giây, vài phút hoặc vài ngày do sự kích thích từ yếu tố bên ngoài hay các biến cố trong cuộc sống khiến sự chuyển đổi giữa các bản thể xảy ra bất ngờ.
Bệnh đa nhân cách thường dễ bị nhầm lẫn với chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng. Những bệnh nhân này thường nghe thấy giọng nói khác bên trong đầu mình với sự tiêu cực, công kích người khác khiến họ làm theo và thường gây ra những hậu quả xấu cho xã hội.
2. Tìm hiểu những dấu hiệu bệnh đa nhân cách
Để xác định một người có mắc bệnh đa nhân cách hay không, trước hết bạn cần tự theo dõi bản thân hoặc nhờ những người xung quanh quan sát xem có những dấu hiệu dưới đây hay không:
Tồn tại nhiều nhân cách khác nhau: Bệnh đa nhân cách là chứng bệnh rối loạn tâm lý, sinh ra ít nhất hai bản thể với tính cách trái ngược liên tục chi phối hành vi của người bệnh.
Nhầm lẫn hay thay đổi nhân cách bản thân: Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc xác định tính cách thực sự của bản thân, quan điểm chính trị, tôn giáo, tham vọng nghề nghiệp,... hoặc có sự lẫn lộn về thời gian và địa điểm.
Có những khoảng trống ký ức: Mỗi bản thể khác nhau thường có những ký ức khác nhau nên người bệnh sẽ không có được một ký ức hoàn chỉnh về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Vì vậy, người bệnh thường có những khoảng trống ký ức và nghĩ rẳng mình đã ngủ trong khoảng thời gian đó.
Quên thông tin cá nhân: Người bệnh có thể quên các thông tin cá nhân cơ bản của mình như nơi làm việc, sở thích cá nhân, nơi sinh sống,...
Xuất hiện các rối loạn trong hành vi, sinh hoạt: Người bệnh rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo lắng, cảm xúc thay đổi thất thường, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống. Thậm chí nhiều trường hợp có các hành vi tiêu cực như hành hạ bản thân, thậm chí có ý định tự tử.
3. Xác định nguyên nhân dẫn đến triệu chứng bệnh đa nhân cách
Theo các chuyên gia tâm lý, bệnh đa nhân cách thường do nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Sau đây là một vài nguyên nhân phổ biến:
Tính di truyền: Chứng bệnh đa nhân cách có thể do di truyền. Nếu gia đình bạn có người mắc phải bệnh này thì nguy cơ bạn bị bệnh gấp 5 lần người bình thường.
Do môi trường sống: Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh rối loạn đa nhân cách. Hầu hết các trường hợp bị bệnh thường có tuổi thơ bị ngược đãi, thiếu sự chăm sóc yêu thương của người thân dẫn đến sự tổn thương tinh thần.
Các tác nhân có hại: Một số tác nhân như nghiện ngập, các chấn thương sản khoa, bị nhiễm độc từ trong bào thai hay bị rối loạn phát triển chức năng não từ khi còn nhỏ.... dẫn đến sự thay đổi nhân cách. Hoặc việc thường xuyên tiếp xúc với những tác nhân xấu sẽ khiến tình trạng stress kéo dài, tâm thần phát triển lệch lạc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đa nhân cách.
Ngoài ra, chứng bệnh này còn do các nguyên nhân khác như: bị quấy rối tình dục, bị chấn thương sọ não hay trải qua cú sốc tâm lý từ nhỏ mà bản thân không thể chống chọi được,...
4. Bệnh đa nhân cách có nguy hiểm không?
Bệnh đa nhân cách tuy không phải là bệnh nan y nhưng các triệu chứng, dấu hiệu của nó có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và cả những người xung quanh.
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người mắc bệnh đa nhân cách có sự liên quan mật thiết tới các hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh và cộng đồng xã hội.
Nguy hiểm hơn khi người đa nhân cách lại không biết bản thân bị bệnh và thường nghĩ là do lỗi của người khác chứ không phải mình. Những người mắc bệnh này tính tình hay cộc cằn, vô cảm, có nhiều hành vi chống đối, tiêu cực với sự vật, sự việc xung quanh.
4. Cách điều trị bệnh đa nhân cách
Bệnh đa nhân cách là một căn bệnh khá trừu tượng và hiếm gặp. Căn bệnh này rất khó để có thể điều trị bằng thuốc như các bệnh thông thường khác. Vì vậy căn bệnh này cần có sự chăm sóc cả về tâm lý và y tế từ bác sĩ và người thân để giúp người bệnh trở về với cuộc sống bình thường. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh đa nhân cách:
Liệu pháp tâm lý
Phương pháp này hướng đến các nhân tố bên trong như suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và thái độ của người bệnh. Từ đó có thể giúp họ hiểu được chính mình. Trong thực tế, có nhiều trường hợp áp dụng thành công phương pháp này chỉ trong thời gian ngắn, hoặc có trường hợp phải điều trị dài hạn mới có kết quả. Một số người còn dùng đến cả thuật thôi miên để giúp người bệnh thoát khỏi sự hỗn loạn trong tính cách.
Liệu pháp cộng đồng
Là liệu pháp giúp bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng trong khoảng vài tháng. Phương pháp này cần có sự tự nguyện ở phía bệnh nhân và khuyến khích họ chia sẻ những cảm xúc của bản thân. Đó là chia sẻ những cảm nhận của họ về hành vi của người khác cũng như suy nghĩ của họ về hành vi của bản thân sẽ tác động đến người khác như thế nào.
Bên cạnh những liệu pháp kể trên, người bệnh đa nhân cách còn cần được chữa trị các bệnh lý đi kèm như trầm cảm, lạm dụng các chất kích thích để giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.
Với những thông tin mang tính chất tham khảo trên, hy vọng bạn sẽ có được cái nhìn tổng thể về căn bệnh đa nhân cách. Từ đó hãy xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, tránh xa các chất kích thích, chất gây nghiện, luôn tỉnh táo và xử lý thông tin một cách thông minh để có thể giúp bản thân tránh được căn bệnh khó chữa này.