Giấc ngủ sâu là giai đoạn người bình thường ngủ say nhất vào ban đêm, khó đánh thức. Mỗi lứa tuổi có một khoảng thời gian ngủ sâu khác nhau. Trẻ em dành nhiều thời gian cho giấc ngủ sâu hơn người lớn. Thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học cần dành 20-25% thời gian của bản thân cho giấc ngủ sâu, còn người lớn là 16-20%.
Khi ngủ sâu, cơ thể sẽ tiết ra hormone tăng trưởng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, giúp người lớn phát triển cơ bắp sau khi tập luyện. Cụ thể, lưu lượng máu tới cơ bắp khi một người chìm vào giấc ngủ sâu sẽ giúp các cơ được củng cố. Giấc ngủ sâu có thể loại bỏ chất thải từ não như protein beta-amyloid, được tìm thấy với số lượng bất thường trong não của bệnh nhân Alzheimer. Loại bỏ chất thải này giúp não tăng khả năng xử lý thông tin, lưu trữ ký ức. Khi ngủ sâu, hệ miễn dịch cũng hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp năng lượng cần thiết cho các tế bào trong cơ thể.
Trường hợp thường xuyên mất ngủ, ngủ không đủ giấc, cơ thể và não bộ của một người có thể bị ảnh hưởng. Dưới đây là những rủi ro về sức khỏe liên quan đến thiếu ngủ sâu.
Đau đớn, mệt mỏi: Thiếu ngủ sâu có thể khiến những cơn đau mạn tính trở nên trầm trọng. Tình trạng này sẽ dẫn đến bệnh đau cơ xơ hóa, trầm cảm, mệt mỏi. Khi ngủ sâu, các cơn đau sẽ giảm dần.
Chậm phát triển: Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ, không được điều trị sớm gây khó ngủ. Thời gian dành cho giấc ngủ chất lượng giảm cản trở việc tiết hormone tăng trưởng, khiến trẻ phát triển chậm hơn bình thường. Nếu trẻ được điều chỉnh kịp thời, chứng rối loạn giấc ngủ sẽ được khắc phục.
Sa sút trí tuệ: Các mảng xơ beta-amyloid tích tụ trong mô não của bệnh nhân Alzheimer kết hợp thiếu ngủ nhiều ngày có thể cản trở quá trình thanh lọc các protein. Lúc này, bệnh diễn biến nhanh, mất nhiều thời gian điều trị.
Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch: Thiếu ngủ sâu có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch, khiến một người dễ mắc các bệnh thông thường hơn như cảm lạnh hoặc cúm. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý mạn tính như tim mạch hoặc ung thư.
Nguyên nhân thiếu ngủ sâu có thể do một người ngủ trưa quá nhiều hoặc nằm lâu trên giường. Điều này khiến cơ thể mất khả năng ngủ bình thường, khó ngủ sâu. Rối loạn giấc ngủ cũng khiến một người khó ngủ sâu giấc. Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc cử động chân tay không tự chủ dễ mất ngủ vào ban đêm. Uống một số loại thuốc (thuốc an thần, thuốc giảm đau...), cà phê có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, khó ngủ nhiều giờ kể từ khi tiêu thụ.
Để cải thiện, mỗi người nên lên lịch trình ngủ đều đặn, thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên. Bạn có thể tắm nước ấm trước khi lên giường, thay đổi môi trường trong phòng ngủ (nhiệt độ mát, thoáng khí, vệ sinh sạch sẽ), hạn chế dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ, tránh ngủ trưa quá nhiều.