Dinh dưỡng của rau đối với thai kỳ
Khi mang thai, điều quan trọng nhất chính là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Bà bầu nên chọn đúng loại thực phẩm, ăn đúng số lượng và đúng thời điểm. Bất cứ điều gì không lành mạnh đều có thể gây hại cho cả mẹ và sự tăng trưởng của em bé.
Một chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau quả có thể giúp bà bầu tránh các biến chứng xảy ra trong thai kì như tiểu đường thai kỳ và suy dinh dưỡng bào thai.
Rau củ nói chung có chứa các vitamin như beta – carotene (vitamin A), vitamin C và axit folic (vitamin B9), ngoài ra còn có một lượng chất xơ cần thiết.
Bà bầu ăn nhiều rau cũng giúp em bé phát triển cân nặng và sinh ra khỏe mạnh, giảm nguy cơ thiếu máu, kiểm soát huyết áp và kiểm soát việc tăng cân lành mạnh cho mẹ.
Những loại rau tốt cho bà bầu
Danh sách những loại rau tốt cho bà bầu bao gồm:
Khoai lang: Đây là nguồn vitamin A, B, C tuyệt vời.
Măng tây: Chứa một lượng lớn vitamin A, B, E, K.
Củ cải đường: Có nhiều vitamin và chất xơ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Ớt chuông: Nguồn cung cấp vitamin và chất xơ dồi dào, tăng ngon miệng cho bà bầu.
Bông cải xanh: Có rất nhiều vitamin C , K và folate. Bông cải xanh đã được chứng minh có lợi cho việc giảm táo bón thai kỳ.
Rau cải carol: Chứa nhiều vitamin A và C.
Đậu xanh: Giàu vitamin C, K và chất xơ.
Rau lá xanh đậm: Cung cấp nhiều chất xơ, carotenoids và folate.
Mùi tây: Cung cấp protein, vitamin E và riboflavin.
Bí đao: Giàu vitamin, protein và thiamin.
Cà chua: Giàu vitamin C, K và biotin.
Bà bầu nên ăn bao nhiêu rau mỗi ngày là tốt nhất?
Bà bầu có thể cảm thấy đói nhiều hơn bình thường vì cơ thể đang làm việc chăm chỉ để cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.
Các chuyên gia khuyên rằng, bà bầu nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để giảm bớt cảm giác đói và hạn chế các triệu chứng về tiêu hóa phổ biến trong thai kỳ.
Bà bầu nên cung cấp cho cơ thể khoảng 500 gram rau củ trong một ngày là tốt nhất. Có thể sử dụng rau sống hoặc qua chế biến thành món ăn. Rau là một nguồn năng lượng, vitamin, khoáng chất và chất xơ phong phú.
Bà bầu có thể bổ sung vitamin nhưng không thể bổ sung rau bằng các viên thuốc uống. Bên cạnh đó, nhu cầu chất xơ của bà bầu không thể được đáp ứng chỉ bằng việc bổ sung vitamin.
Ngoài việc ăn uống lành mạnh, điều cần thiết khác chính là chăm chỉ tập thể dục và ngủ thật ngon.
Mẹo đơn giản để thêm rau vào chế độ ăn uống cho bà bầu
Dưới đây là một vài phương pháp mà mẹ bầu có thể áp dụng để kết hợp rau vào chế độ ăn của mình, làm cho chúng thú vị và ngon hơn:
Trộn và nấu chung các loại rau mà mẹ thích cùng với những loại mà mẹ không thích, kèm theo một vài loại nước sốt ngon miệng giúp mẹ ăn được nhiều rau hơn.
Nếu mẹ bầu thích vị cay, cà ri rau củ là lựa chọn tốt nhất của mẹ. Mức độ gia vị trong thức ăn của mẹ có thể hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích, vì gia vị không gây hại cho bé. Nhưng nếu bà bầu đang bị ợ nóng, nên hạn chế gia vị.
Cà chua cũng có thể kết hợp trong món mì Ý lạ miệng.
Mẹ có thể thử các món rau củ nướng kèm với nước sốt.
Súp rau củ cũng là một lựa chọn để bổ sung nhiều rau hơn vào thực đơn của mẹ.
Nếu vị của rau khiến bà bầu buồn nôn, hãy thêm vào món ăn các gia vị tạo mùi như hành lá, cần tây và dầu ô liu.
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn rau sống nếu mẹ không thích rau nấu chín. Cà rốt, xà lách trộn hoặc rau sống với nước chấm của món kho là những cách tuyệt vời để thêm rau vào chế độ ăn uống của mẹ.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là trái cây và rau quả phải rửa thật sạch vì chúng có thể bị nhiễm Toxoplasma, một loại ký sinh trùng có hại cho cả mẹ và em bé. Đối với trái cây tốt nhất là gọt vỏ trước khi ăn.
Thay đổi các loại rau thường xuyên để không bị ngấy và đảm bảo việc bổ sung đủ 500 gram rau củ mỗi ngày.
Trữ sẵn rau trong tủ lạnh để đảm bảo nguồn rau đầy đủ trong những ngày mẹ bầu mệt mỏi.
Thực phẩm mà bà bầu tiêu thụ trong thai kỳ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng. Xây dựng một chế độ ăn đầy đủ những loại rau tốt cho bà bầu để có được một thai kỳ thật khỏe mạnh.