Vú sữa thuộc họ Hồng Xiêm (Sapotaceae) là loại trái cây vùng nhiệt đới có nguồn gốc từ đảo Antilles và vùng Trung Mĩ. Ngày nay, vú sữa hầu như đã có mặt ở khắp các quốc gia, đặc biệt nhất là ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Có rất nhiều giống vú sữa khác nhau như vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu tím, vú sữa vàng… Trong đó vú sữa Lò Rèn là loại được trồng nhiều nhất vì đặc điểm vỏ mỏng, quả sáng bóng rất đẹp mát, thịt nhiều, hương vị thơm ngọt, chứa nhiều chất dinh dưỡng và được nhiều người ưa chuộng.
Giá trị dinh dưỡng của vú sữa
Nghiên cứu về loại trái cây này cho thấy, 100g thịt vú sữa tươi sẽ cung cấp khoảng 64kcal, trong đó có 1g protein, 8g carbohydrate, 3.1g lipid và các khoáng chất vi lượng như canxi, photpho, sắt… và đa dạng các vitamin như A, B1, B2, B3, C…
Hoạt chất axit malic trong quả vú sữa còn có công dụng phòng ngừa nám da và kháng khuẩn hiệu quả.
Bà bầu ăn vú sữa có tốt không?
Đối với thắc mắc bà bầu ăn vú sữa có tốt không thì nhiều người lại cho rằng quả vú sữa có tính nóng, phần nhựa khá chát sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ khi bà bầu ăn vú sữa.
Tuy nhiên quan niệm này không hoàn toàn đúng. Vú sữa tuy có nhựa đắng nhưng khi lựa chọn những quả vú sữa chín và ăn không quá sát vào phần vỏ thì sẽ không cảm thấy đắng chát.
Vú sữa là loại trái cây tốt cho tất cả mọi người. Bà bầu ăn vú sữa sẽ được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, do đó các chị em không nên bỏ qua.
Đặc biệt, vú sữa có chứa nhiều sắt và canxi - hai chất cần thiết và cực kỳ quan trọng mà chị em cần phải bổ sung trong suốt quá trình mang thai. Trung bình trong một quả vú sữa chín có chứa khoảng 14.65mg canxi và 2.33mg sắt
Bổ sung hai loại khoáng chất này giúp chị em tránh được tình trạng thiếu máu, đề phòng loãng xương cho mẹ bầu. Đồng thời giúp hệ xương và răng của thai nhi phát triển toàn diện.
Bà bầu có nên ăn nhiều vú sữa?
Mặc dù đây là một loại quả tốt, chứa nhiều dinh dưỡng nhưng khi bà bầu ăn vú sữa quá nhiều cũng không thực sự tốt cho sức khỏe. Không nên lạm dụng vì lượng chất xơ trong vú sữa có thể gây nặng bụng cho mẹ.
Nếu ăn quá sát phần vỏ, nơi chứa nhiều tanin (chất có vị chát) sẽ dễ gây ra táo bón khó chịu. Bà bầu chỉ nên ăn từ 200 – 400 gram vú sữa trong một ngày. Bên cạnh đó, chị em nên ăn những quả vú sữa chín, không nên ăn quả còn cứng.
Một mẹo nhỏ cho bà bầu ăn vú sữa ngon nhất là nên nắn (bóp) mềm quả vú sữa trước khi ăn, thịt vú sữa sẽ mềm ngọt hơn, không bị chát và hãy chú ý không nạo sát phần vỏ để tránh ăn phải các chất chát.
Một số mẹo chọn vú sữa ngon cho mẹ bầu
Đầu tiên, quả vú sữa ngon trước hết cần phải tươi, còn cuống và thậm chí còn cả lá. Cuống và lá phải mới, không bị khô và mất nước.
Vỏ quả vú sữa ngon thường sáng bóng, nhẵn, không bị cấn dập hoặc trầy xước. Vỏ có màu kem hồng và hơi sậm lại ở phần đít trái hoặc có màu tím bóng đối với giống vú sữa Lò Rèn.
Vú sữa chín thường mềm đều nguyên trái, nếu quả có phần cuống cứng hơn và mềm dần xuống phía dưới thì đây là quả vú sữa không ngon ngọt.
Vậy bà bầu ăn vú sữa có tốt không? Câu trả lời là có. Việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và cung cấp dinh dưỡng sẽ mang lại cho bà bầu một thai kỳ thật khỏe mạnh.